16:42 - 24/12/2024
Thị trường 24/7: VN thu hơn 3,1 tỷ USD từ xuất khẩu sầu riêng; Nissan, Honda, Mitsubishi đàm phán hợp nhất
Giá vàng đồng loạt giảm: Trong phiên giao dịch Mỹ (đêm 23/12), vàng thế giới đã giảm mạnh từ mức 2.630 USD/ounce xuống 2.607 USD/ounce. Vàng đã giảm trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh khi giá USD và lợi suất trái phiếu kho bạc tăng mạnh.
Ở thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC giảm 200.000 đồng mỗi lượng, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC mua vào 82,3 triệu đồng, bán ra 84,3 triệu đồng; Công ty Phú Quý mua vào với giá 82,3 triệu đồng, bán ra 84,3 triệu đồng…
Giá vàng nhẫn giảm nhẹ 100.000 đồng mỗi lượng. Công ty Phú Quý mua vào với giá 82,9 triệu đồng, bán ra 84,4 triệu đồng; Công ty SJC mua vào 82,3 triệu đồng, bán ra 84,1 triệu đồng… Giá mua vàng miếng SJC thấp hơn bán ra 2 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn thấp hơn 1,5 – 1,8 triệu đồng/lượng.
VN-Index giảm điểm: Thị trường chứng khoán phiên giao dịch 24/12 với lực bán dâng cao khiến thị trường quay đầu giảm điểm sau 2 phiên phục trước đó. VN-Index có thời điểm giảm gần 9 điểm nhưng sau đó chốt phiên còn giảm hơn 2 điểm.
Nhóm cổ phiếu bất động sản giảm mạnh. Trong đó, cổ phiếu DXG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh giảm kịch sàn ngay từ phiên sáng sau khi doanh nghiệp này thông báo sẽ chào bán hơn 150,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu theo phương thức thực hiện quyền mua.
Chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index cũng giảm 0,15 điểm (0,07%) còn 228,36 với 97 mã giảm, 67 mã tăng và 59 mã đứng giá. Thanh khoản cải thiện, tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE gần 16.000 tỷ đồng, tăng 3.700 tỷ đồng so với phiên trước.
Khối ngoại đã quay lại mua ròng hơn 45 tỷ đồng trên sàn HOSE. Top 3 cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất thị trường là SSI gần 60 đồng, MWG hơn 39 tỷ đồng và STB hơn 33 tỷ đồng.
Thêm một doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm: Ngày 24/12, Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận xếp hạng tín nhiệm cho một doanh nghiệp, nâng số doanh nghiệp được cấp phép xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam lên 5 doanh nghiệp.
Doanh nghiệp vừa được Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận hoạt động xếp hạng tín nhiệm là CTCP Xếp hạng tín nhiệm Thiên Minh (Thien Minh Rating).
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 5 doanh nghiệp được Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận hoạt động xếp hạng tín nhiệm, bao gồm: CTCP Sài Gòn Phát Thịnh Ratings, CTCP FiinRatings, CTCP Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam, CTCP xếp hạng tín nhiệm S&I và Thien Minh Rating.
Thương mại song phương Việt Nam – Ấn Độ vượt mốc 15 tỷ USD: Thông tin tại sự kiện “Đối thoại về thúc đẩy hợp tác kinh doanh giữa Ấn Độ – Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, cho biết kim ngạch thương mại song phương năm 2024 của hai nước sẽ vượt mốc 15 tỷ USD.
Ông Sandeep Arya, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, khẳng định kim ngạch thương mại song phương hai nước đã có sự tăng trưởng 11% trong vòng 10 năm qua và có nhiều cơ hội tăng trưởng tích cực trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh Chính phủ hai nước đã có những cuộc đối thoại cấp cao về thúc đẩy thương mại và đầu tư.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Ấn Độ sang Việt Nam bao gồm: thịt trâu đông lạnh, hải sản, nông sản, máy móc và thiết bị, dược phẩm và hóa chất. Ở chiều ngược lại, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam gồm: máy tính và phần cứng điện tử, điện thoại di động và phụ kiện, máy móc và thiết bị, kim loại thông thường, giày dép.
Xuất khẩu thủy sản tiến tới mục tiêu 11 tỷ USD: Năm 2024 là lần thứ hai xuất khẩu thủy sản đạt mốc 10 tỷ USD, trong đó con tôm mang về 4 tỷ USD, cá tra 2 tỷ USD, cá ngừ 1 tỷ USD. Năm 2025, ngành thủy sản đang hướng tới mục tiêu đạt 11 tỷ USD.
Năm 2025 sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức mới đối với ngành thủy sản, trong đó việc giải quyết thẻ vàng IUU, thích ứng với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và các rào cản từ thị trường sẽ là mục tiêu quan trọng.
Đối với mở rộng thị trường xuất khẩu, ngoài các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật, EU thì cần tập trung phát triển xuất khẩu các sản phẩm thủy sản đi các thị trường Halal, Trung Đông. Ngoài ra còn cần thúc đẩy liên kết giữa các đơn vị tham gia vào chuỗi sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tiếp tục nâng cao tỉ trọng các mặt hàng giá trị gia tăng xuất khẩu.
Việt Nam thu hơn 3,1 tỷ USD từ xuất khẩu sầu riêng: Theo số liệu báo cáo nhanh của hải quan, Trung Quốc vẫn là thị trường dẫn đầu về tiêu thụ sầu riêng Việt, chiếm 90% tổng kim ngạch, tương đương hơn 2,8 tỷ USD trong 11 tháng. Mức này tăng 43% so với cùng kỳ 2023.
Thái Lan đứng thứ hai, nhập khoảng 177 triệu USD trái sầu riêng, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Hong Kong, Nhật Bản cũng ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt 16% và 85% so với năm ngoái. Riêng trái sầu riêng Việt xuất sang Campuchia tăng 139 lần, đạt gần 3 triệu USD.
Tính chung 11 tháng, Việt Nam thu hơn 3,1 tỷ USD từ xuất khẩu trái sầu riêng, tăng hơn 44% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sắc xanh trở lại với giá cà phê: Giá cà phê robusta trên sàn London kỳ hạn tháng 1/2025 tăng 102 USD lên 5.113 USD/tấn, kỳ hạn tháng 3/2025 tăng 6 USD lên 5.008 USD/tấn, kỳ hạn tháng 5/2025 tăng 1 USD còn 4.935 USD/tấn.
Giá cà phê arabica trên sàn New York, kỳ hạn tháng 3/2025 tăng 49,5 USD lên 7.200 USD/tấn, kỳ hạn tháng 5/2025 tăng 56,1 USD lên 7.080 USD/tấn, kỳ hạn tháng 7/2025 tăng 53,9 USD lên 6.910 USD/tấn.
Trong khi thị trường thế giới trầm lắng do nhiều người chuẩn bị nghỉ lễ nhiều ngày thì tại Tây nguyên vụ thu hoạch cũng bị ảnh hưởng vì mùa mưa bão kéo dài. Tại Tây nguyên, giá cà phê Đắk Lắk 120.800 đồng/kg, Đắk Nông 120.500 đồng/kg, Gia Lai 120.300 đồng/kg, Kon Tum 120.000 và Lâm Đồng 119.800 đồng/kg.
Nissan, Honda và Mitsubishi Motors đàm phán hợp nhất: Ngày 24/12, Công ty Honda Việt Nam có thông tin về việc tập đoàn mẹ ở Nhật Bản là Honda Motor Co., Ltd. (Honda) và tập đoàn Nissan Motor Co., Ltd. (Nissan) cũng của Nhật đã ký một biên bản ghi nhớ về việc đàm phán và xem xét việc hợp nhất kinh doanh giữa hai tập đoàn thông qua việc thành lập một công ty cổ phần chung.
Ký kết này nhằm đẩy nhanh các nỗ lực hướng tới một xã hội không phát thải carbon và không có tai nạn giao thông. Biên bản ghi nhớ này được kỳ vọng sẽ là lựa chọn để duy trì khả năng cạnh tranh toàn cầu, đồng thời giúp hai công ty tiếp tục cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hấp dẫn hơn.
Đáng chú ý, không chỉ Nissan, Honda mà Mitsubishi Motors cũng tham gia ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác chiến lược để xem xét khả năng Mitsubishi Motors cùng hợp nhất kinh doanh với Nissan và Honda.
Sau khi ký thỏa thuận, Nissan, Honda, và Mitsubishi Motors tiếp tục đàm phán chi tiết hơn, tập trung vào trí tuệ nhân tạo và điện khí hóa.
Theo BSA Media
Ngày đăng: 24/12/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này