16:19 - 19/11/2024
Thị trường 24/7: VN Index về sát đáy 1.200 điểm; Eximbank bác tin đồn bị thanh tra
Giá vàng thế giới và trong nước cùng tăng mạnh: Giá vàng đã tăng vọt trong phiên hôm qua sau sáu ngày giảm, khi sự bất ổn gia tăng về xung đột Nga-Ukraine đã khơi dậy lại nhu cầu trú ẩn an toàn. Sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay thế giới niêm yết trên Kitco neo ở mức 2.618 USD/ounce.
Bắt lấy cơ hội này, giá vàng trong nước lại tiếp tục tăng. Mở cửa phiên 19/11, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) điều chỉnh tăng 700.000 đồng chiều mua lẫn chiều bán. Theo đó, mỗi lượng vàng miếng hiện bán ra ở mức 81,7 – 84,7 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn tại SJC cũng được điều chỉnh tăng 600.000 đồng mỗi lượng ở cả hai chiều so với chốt phiên trước, niêm yết ở mức 81,5 – 83,7 triệu đồng/lượng. PNJ hiện mua – bán giá vàng nhẫn ở mức 82,4 – 83,7 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng chiều mua và 500.000 đồng chiều bán so với cuối phiên trước. DOJI mua – bán nhẫn tròn ở mức 82,7 – 83,7 triệu đồng/lượng, tương ứng tăng thêm 300.000 chiều mua và 400.000 đồng chiều bán.
VN Index về sát đáy 1.200 điểm: Kết phiên hôm nay, VN Index giảm gần 12 điểm (tương đương 0,98%) xuống còn 1.205 điểm. Toàn sàn HoSE có 287 mã giảm, 83 mã tăng và 55 mã đi ngang.
Bảng điện VN30 cũng không khả quan hơn với 23 mã giảm so với 6 mã tăng và 1 mã đứng giá. Giao dịch tích cực nhất trong rổ VN30 là VHM tăng 3,4% và đóng góp 2,6 điểm cộng cho VN Index.
Thanh khoản phiên hôm nay tiếp tục giữ ở mức thấp với gần 512 triệu cổ phiếu khớp lệnh, tương đương giá trị giao dịch đạt 13.248 tỷ đồng. Trong đó, 2 mã có giá trị khớp lệnh trên 1.000 tỷ đồng là VHM và FPT. Đây cũng là 2 mã cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất thị trường.
Cùng với sự “èo uột” của thanh khoản là áp lực xả hàng từ khối ngoại. Phiên hôm nay, khối ngoại bán ròng 1.628 tỷ đồng trên sàn HoSE. Trong đó, nhóm cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng hơn 100 tỷ đồng là: VHM, FPT, HDB, HPG, SSI.
Eximbank bác tin đồn bị thanh tra: Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam – Eximbank (HoSE: EIB) – vừa phát đi thông báo phản hồi liên quan đến thông tin Ngân hàng Nhà nước thanh tra hoạt động của ngân hàng này.
Ngân hàng này cho biết cách đây ít ngày xuất hiện thông tin khiến dư luận hiểu nhầm rằng Cơ quan thanh tra, Giám sát Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) ban hành văn bản thanh tra cá biệt với Eximbank liên quan đến các vấn đề có tính chất “vi phạm” trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng.
Theo Eximbank, thông tin này không đúng sự thật. “Eximbank khẳng định không nhận được bất kỳ Quyết định nào của Ngân hàng Nhà nước về việc tiến hành thanh tra về các hoạt động cấp tín dụng của Eximbank trong thời gian gần đây”, ngân hàng nêu rõ.
Bộ Tài chính đề xuất giảm tiếp thuế VAT đến giữa năm sau: Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Tương tự các lần trước, việc hạ 2% thuế VAT được đề xuất áp dụng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 10%. Các lĩnh vực tiếp tục không được giảm thuế này, gồm bất động sản, chứng khoán, dịch vụ ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin, than cốc, sản phẩm hóa chất, hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Việc kéo dài thời gian giảm thuế này tới hết tháng 6/2025 dự kiến làm giảm thu ngân sách khoảng 25.000 tỷ đồng (tương đương 4.175 tỷ đồng một tháng). Trong đó, giảm ở khâu nội địa dự kiến 2.500 tỷ mỗi tháng và khâu nhập khẩu khoảng 1.500 tỷ đồng.
Xuất khẩu tôm đã mang về 3,2 tỷ USD: Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 10, XK tôm Việt Nam đạt 394 triệu USD (tăng 24%). Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, XK tôm mang về 3,2 tỷ USD (tăng 13%).
Thống kê, XK sang tất cả các các thị trường tiêu thụ chính đều ghi nhận tăng trưởng 2 con số trong tháng 10. Trong đó, thị trường Trung Quốc & Hong Kong đạt 91 triệu USD, tăng 44%; lũy kế 10 tháng đạt 676 triệu USD (tăng 31%). Đáng chú ý, mặt hàng tôm hùm tăng mạnh 157% (đạt 298 triệu USD).
VASEP đánh giá, XK tôm của Việt Nam mặc dù còn đối mặt với những thách thức nội tại và khách quan nhưng cũng đã ghi nhận kết quả XK đáng khích lệ. Mục tiêu kim ngạch XK năm 2024 đạt 4 tỷ USD hoàn toàn nằm trong tầm với.
Michelin gợi ý những món cà phê “nhất định phải thử” khi đến Việt Nam: Mùa thu hoạch cà phê Việt Nam đang rộ và nhiều diễn đàn đang chia sẻ lại bài viết của Michelin nói về cà phê Việt Nam như là một gợi ý về menu cà phê khi mở quán, đặc biệt là phục vụ khách du lịch.
Theo đó, dưới góc nhìn của chuyên gia Michelin, những món cà phê nổi bật mà khách nên thử khi đến Việt Nam đó là: cà phê sữa đá, bạc xỉu, cà phê dừa, cà phê muối và cà phê trứng. Ngoài ra, còn có cà phê trái cây được chế biến từ cà phê Arabica 100% kết hợp cùng các loại trái cây nhiệt đới như: cam, vải, mơ.
Chi tiết hơn, chuyên trang về ẩm thực này gợi ý khách nên thưởng thức cà phê muối ở Huế; cà phê trứng ở Hà Nội còn cà phê sữa đá và bạc xỉu tại TP.HCM. Hướng dẫn về cà phê Việt Nam được Michelin Guide đăng tải trên website hồi tháng 3/2024 sau đó được Fanpace có tích xanh của Michelin Guide dẫn lại vào hồi tháng 5/2024.
Giá cà phê hạ nhiệt khi EU trì hoãn quy định chống phá rừng: Sau một tuần lên cơn sốt, trong phiên giao dịch đầu tuần này giá cà phê đã hạ nhiệt khi quay đầu giảm nhẹ trên cả 2 sàn London và New York.
Trong tuần qua, thông tin đáng chú ý là Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu để ra phán quyết cuối cùng đối với việc áp dụng quy định chống phá rừng (EUDR). Kết quả bỏ phiếu nhận được 371 phiếu đồng thuận với Ủy ban châu Âu (EC) về việc hoãn áp dụng EUDR thêm 12 tháng trong khi chỉ có 240 phiếu chống.
Như vậy, EUDR sẽ được trì hoãn thêm 12 tháng theo đề xuất của EC và bắt đầu áp dụng vào ngày 30/12/2025 đối với những doanh nghiệp lớn còn những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ sẽ được gia hạn đến ngày 30/6/2026. Việc này nhằm mục đích để các doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị tốt hơn cũng như các cơ quan chức năng của EU có những hướng dẫn cụ thể và chi tiết trong việc thực hiện.
Thuế quan trả đũa làm lung lay triển vọng kinh tế châu Á: Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo thuế quan trả đũa có thể làm suy yếu triển vọng kinh tế châu Á, làm tăng chi phí và gián đoạn chuỗi cung ứng, dù khu vực này vẫn là động lực tăng trưởng chính của kinh tế toàn cầu.
Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của IMF – ông Krishna Srinivasan, đưa ra cảnh báo như vậy trong phát biểu ngày 19/11 tại một diễn đàn ở Cebu, Philippines.
Theo Reuters, phát biểu của ông Srinivasan xuất hiện trong bối cảnh lo ngại về kế hoạch áp thuế mạnh lên hàng ngoại nhập của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ông Trump từng tuyên bố sẽ áp thuế tới 60% với hàng hóa Trung Quốc và ít nhất 10% với các nước khác.
Dù vậy, theo ông Srinivasan, châu Á đang “chứng kiến một giai đoạn chuyển đổi quan trọng”, tạo ra nhiều bất ổn lớn, bao gồm cả căng thẳng leo thang trong vấn đề thương mại giữa các đối tác lớn.
Theo BSA Media
Ngày đăng: 19/11/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này