
17:41 - 02/04/2025
Thị trường 24/7: Việt Nam áp thuế CBPG thép mạ Trung Quốc; Mỹ không thay đổi kế hoạch áp thuế đối ứng
Vàng trong nước đứng giá: Sáng nay, SJC công bố giá mua vào – bán ra đối với vàng miếng ở mức 99,4 – 102,1 triệu đồng/lượng, đi ngang so với chốt phiên hôm qua. Chênh lệch giá mua bán ở mức lên 2,7 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn SJC 99,99 loại 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ cũng bất động cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước, niêm yết ở mức 99,1 – 101,5 triệu đồng mỗi lượng.
Vàng trong nước sáng nay không phản ứng với đà tăng của thế giới. Phiên hôm qua, giá vàng thế giới tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục mới khi các nhà đầu tư chuyển sang tài sản trú ẩn an toàn trước thông báo về kế hoạch áp thuế toàn diện của Tổng thống Donald Trump. Giá vàng hợp đồng tương lai của Mỹ cuối phiên tăng 0,4% lên 3.164,20 USD/ounce.
Xuất khẩu nông, thủy sản thu về gần 16 tỷ USD sau 3 tháng: Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong quý I/2025 thu về 15,72 tỷ USD, trong đó, nhiều nhóm hàng ghi nhận tăng trưởng 2 con số.
Hiện châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam với thị phần chiếm 42%, 2 thị trường lớn tiếp theo là châu Mỹ và châu Âu. Xét theo từng thị trường, Hoa Kỳ với thị phần 20,2%, Trung Quốc (17,3%), và Nhật Bản (7,7%). Đây là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Cán cân thương mại ngành nông, lâm, thủy sản 3 tháng ước đạt thặng dư 4,4 tỷ USD (tăng 13,1%). Xét theo nhóm hàng, lâm sản, thủy sản và nông sản là 3 nhóm hàng có cán cân thương mại 3 tháng đầu năm ở trạng thái thặng dư.
Việt Nam áp thuế CBPG thép mạ Trung Quốc: Ngày 1/4, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 914⁄QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) tạm thời đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc.
Theo đó, mức thuế CBPG tạm thời được áp dụng cao nhất là 37,13% đối với hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc và 15,67% đối với hàng hóa xuất xứ từ Hàn Quốc.
Theo số liệu hải quan, tính đến hết tháng 3/2024, lượng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra trong 12 tháng đã đạt 454.000 tấn (tăng 91%). Kể cả sau khi Bộ Công Thương ra quyết định khởi xướng vụ việc này, lượng nhập khẩu thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn gia tăng đáng kể, chỉ trong vòng 9 tháng cuối năm 2024, lượng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra đã xấp xỉ 382.000 tấn (tăng 20%).
Ấn Độ khởi xướng điều tra CBPG sợi Việt Nam: Theo tin từ Cục Phòng vệ thương mại (PVTM), ngày 28/3/2025, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) đã thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sợi Elastomeric filament yarn có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Trung Quốc, Việt Nam.
Sản phẩm thuộc các mã HS: 54024400 và 54041100. Trên thị trường sợi được biết đến với một số cái tên như sợi Spandex hoặc sợi Elastane, được dùng chủ yếu trong ngành sản xuất quần áo có độ co giãn.
Loại trừ khỏi phạm vi điều tra là sợi đàn hồi có màu (trừ màu đen), sợi đàn hồi kéo dãn (elastomeric yarns on beam), sợi có tên thương hiệu “Lycra”, sợi đàn hồi sử dụng cho tã lót.
Sản phẩm trên đã từng bị Ấn Độ điều tra và áp thuế chống bán phá giá từ năm 2016. Tuy nhiên năm 2022, Bộ Tài chính Ấn Độ đã dừng áp thuế đối với sản phẩm này sau khi rà soát cuối kỳ.
Trung Quốc gia hạn điều tra chống bán phá giá rượu mạnh từ EU: Ngày 2/4, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo gia hạn thời gian điều tra chống bán phá giá đối với rượu mạnh có nguồn gốc từ Liên minh châu Âu (EU) đến ngày 5/7/2025, do tính chất phức tạp của vụ việc.
Bộ Thương mại Trung Quốc khởi xướng cuộc điều tra vào ngày 5/1/2024 theo yêu cầu của Hiệp hội Đồ uống có cồn Trung Quốc, đại diện cho ngành công nghiệp trong nước. Trước đó, vào tháng 12/2024, Trung Quốc đã gia hạn cuộc điều tra đến ngày 5/4/2025.
Kể từ ngày 11/10/2024, Trung Quốc đã áp thuế tạm thời từ 30,6% đến 39% đối với rượu mạnh nhập khẩu từ EU, sau khi EU áp thuế lên đến 35,3% đối với xe điện Trung Quốc với cáo buộc cạnh tranh không công bằng. Biện pháp này đã ảnh hưởng lớn đến các nhà sản xuất rượu cognac của Pháp, khi xuất khẩu chiếm tới 98% doanh thu của họ.
Mỹ không thay đổi kế hoạch áp thuế đối ứng: Nhà Trắng ngày 1/4 xác nhận Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp tục kế hoạch áp thuế từ ngày 2/4 trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng và giới đầu tư đều lo ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng thương mại toàn cầu.
Dự kiến, Tổng thống Trump sẽ công bố các biện pháp thuế quan mới tại Vườn Hồng của Nhà Trắng vào lúc 16h chiều 2/4 theo giờ miền Đông nước Mỹ, tức khoảng 3h sáng 3/4 theo giờ Việt Nam. Theo người phát ngôn Nhà Trắng, bà Karoline Leavitt, các biện pháp thuế đối ứng đối với những nước áp thuế lên hàng hóa Mỹ sẽ có hiệu lực ngay sau khi công bố, trong khi mức thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu sẽ bắt đầu từ ngày 3/4 theo giờ Mỹ.
Hiện chưa có thông tin chi tiết về các mức thuế sẽ được công bố. Theo Washington Post, Chính quyền Mỹ đang cân nhắc một kế hoạch áp thuế nhập khẩu khoảng 20% đối với hầu hết các quốc gia, thay vì nhắm vào một số quốc gia hoặc sản phẩm nhất định.
Theo BSA Media
Ngày đăng: 2/4/2025
Có thể bạn quan tâm
Úc cần gấp lao động nông nghiệp từ Việt Nam với mức lương tối thiếu 21 AUD/giờ
Thị trường 24/7: Philippines bỏ chính sách giá trần đối với gạo; TikTok Shop dừng hoạt động ở Indonesia
Thách thức sau khi Việt Nam đảm bảo nguồn cung vắc xin Covid-19
Làm giàu nhờ giúp Samsung xử lý rác
Giá thép tiếp tục tăng mạnh
Tags:thép mạ trung quốc
Tin khác


Thị trường 24/7: Giá vàng vượt 115 triệu/lượng; Mỹ đánh thuế hàng Trung Quốc mức ‘không tưởng’ 245%

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này