
16:02 - 28/02/2025
Thị trường 24/7: Vàng miếng rớt khỏi mốc 91 triệu đồng/lượng; Mỹ chi 1 tỷ USD đối phó khủng hoảng trứng
Vàng miếng rớt khỏi mốc 91 triệu đồng một lượng: Lúc 11h20 ngày 28/2, giá vàng miếng được SJC niêm yết ở mức 88,5 – 90,5 triệu đồng/lượng, giảm 700.000 đồng mỗi lượng so với chốt phiên hôm qua. Còn so với sáng qua, vàng miếng đã giảm 1 triệu đồng mỗi lượng ở cả hai chiều mua và bán. Trong khi đó, các NHTM nhà nước niêm yết giá bán vàng miếng ở mức 90,9 triệu đồng/lượng, giảm 600.000 đồng so với phiên trước
Vàng nhẫn tại SJC sáng nay giảm 400.000 đồng chiều mua và 600.000 đồng chiều bán, niêm yết ở mức 88,5 – 90,4 triệu đồng/lượng. PNJ niêm yết giá mua – bán vàng nhẫn ở mức 89,8 – 90,5 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng chiều mua và 700.000 đồng chiều bán so với chốt phiên hôm qua. DOJI hiện niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 90- 91 triệu đồng/lượng.
Trên thế giới, giá vàng phiên hôm qua giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai tuần, mất mốc 2.900 USD/ounce khi đồng USD mạnh lên. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ chốt phiên ở mức 2.895,9 USD/ounce.
VN-Index vẫn giữ được mốc 1.300 điểm: Dù chịu áp lực xả mạnh từ khối ngoại, nhưng VN Index vẫn giữ được trên mốc 1.300 điểm trong phiên cuối cùng của tháng 2.
Phiên hôm nay, thị trường chịu áp lực lớn từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong đó VCB là mã cổ phiếu tác động mạnh nhất lên chỉ số khi “góp” gần 1 điểm trừ. Phía ngược lại, chỉ số nhận được lực đỡ từ các mã GVR, NVL, PLX, VHM, EIB, POW, VRE, SSI. Phiên hôm nay, SSI là mã cổ phiếu được giao dịch sôi động nhất thị trường với 41,4 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, tương đương giá trị giao dịch đạt 1.094 tỷ đồng.
Thanh khoản của sàn HoSE đạt gần 815 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị giao dịch đạt 18.662 tỷ đồng. Ngoài SSI dẫn đầu về giá trị giao dịch, nhóm cổ phiếu “góp” tiền mạnh nhất cho thị trường chung còn có HPG (681 tỷ đồng), FPT (655 tỷ đồng), VIX 9410 tỷ đồng). Kết phiên 28/2, VN Index giảm 2,4 điểm xuống còn 1.305 điểm.
94% doanh nghiệp Mỹ tin Việt Nam là nơi tốt để kinh doanh: AmCham vừa công bố kết quả khảo sát nhanh giữa các hội viên, cho thấy những lo ngại đáng kể về tác động tiềm tàng của việc áp thuế đối với hàng hóa từ Việt Nam.
Cuộc khảo sát được thực hiện với hơn 100 doanh nghiệp hội viên. Kết quả cho thấy về mức độ quan ngại đáng kể của các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam trước nguy cơ áp thuế. Cụ thể, về lo ngại chính sách thuế lan rộng sang nhiều ngành, 81% doanh nghiệp được khảo sát bày tỏ lo lắng về khả năng hàng hóa của doanh nghiệp vào Mỹ bị áp thuế, trong đó, 92% doanh nghiệp ngành sản xuất bày tỏ quan ngại.
Mặc dù có những lo ngại, nhưng khảo sát của AmCham cho thấy, 94% doanh nghiệp tham gia khảo sát và 98% doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vẫn tin tưởng rằng Việt Nam là một nơi tốt để kinh doanh, nhờ vào cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển, lực lượng lao động tay nghề cao và vị trí chiến lược của quốc gia.
TP.HCM: 18 ngân hàng đăng ký gói tín dụng ưu đãi 4%: Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết đến nay việc đăng ký gói tín dụng ưu đãi để tham gia chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp (NH-DN) trên địa bàn trong năm 2025 kết thúc, đã có 18 thương hiệu NH đăng ký, gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, ACB, Sacombank, Saigonbank, Nam A Bank, OCB, HDBank, BVBank, Techcombank, NCB, BAC A Bank, BIDC, VietABank; công ty tài chính TOYOTA và Shinhanbank.
Tổng số tiền đăng ký tham gia gói đạt 517.065 tỷ đồng. Quy mô gói tín dụng ưu đãi đăng ký để tham gia chương trình kết nối NH-DN năm nay cao hơn các năm trước đây, cụ thể năm 2024 là 509.864 tỷ đồng; năm 2023 là 453.070 tỷ đồng và năm 2022 là 434.280 tỷ đồng.
Đây là gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ DN, gắn với cơ chế chính sách của NHNN. Theo đó, với các tiêu chí đặt ra đó là giảm lãi suất cho DN, tăng hạn mức tín dụng; cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng với lãi suất không quá 4%/năm đối với 5 lĩnh vực gồm: xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Indonesia điều chỉnh chính sách quản lý về giá than xuất khẩu: Theo thông tin mới nhất ngày 26/2/2025 từ Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia, nước này sẽ điều chỉnh chính sách quản lý về giá bán than xuất khẩu, áp dụng từ ngày 1/3/2025, với mục đích tăng cường sự kiểm soát của nhà nước với tất cả các giao dịch bán than quốc tế.
Theo qui định mới, Indonesia sẽ sử dụng giá bán than tiêu chuẩn (benchmark) tối thiểu do chính phủ ban hành áp dụng cho tất cả các giao dịch bán than quốc tế của doanh nghiệp xuất khẩu than Indonesia. Các doanh nghiệp xuất khẩu phải căn cứ vào giá tổi thiểu do chính phủ ban hành với định kỳ ban hành 02 lần/tháng (vào ngày mùng 1 và 15 hàng tháng) để xây dựng giá bán than cho các hợp đồng giao dịch của mình.
Trường hợp các doanh nghiệp vi phạm không thực hiện theo qui định sẽ có thể bị phạt hành chính và tước giấy phép xuất khẩu kinh doanh than. Hiện tại, Indonesia chỉ đang sử dụng giá tiêu chuẩn (HCA) được chính phủ ban hành định kỳ hàng tháng để làm cơ sở để tính thuế tài nguyên cho các hợp đồng xuất khẩu.
Mỹ chi 1 tỷ USD đối phó với cuộc khủng hoảng trứng: Ngày 27/2, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chiến lược 5 điểm, cam kết giải ngân 1 tỷ USD cho các giải pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng trứng đang ngày một nghiêm trọng ở nước này.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Brooke Rollins, chính phủ sẽ dành 500 triệu USD để tăng cường các biện pháp an toàn sinh học tại các trang trại gia cầm, chi 400 triệu USD hỗ trợ tài chính cho các nông dân bị ảnh hưởng và dành 100 triệu USD cho nghiên cứu vaccine phòng cúm gia cầm.
Trên thị trường, giá trứng tại Mỹ đã ghi nhận mức cao kỷ lục, trung bình 8,11 USD/hộp 12 quả vào ngày 26/2, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2024. Nguyên nhân là dịch cúm gia cầm nghiêm trọng làm giảm số lượng gà đẻ trứng.
Dịch cúm gia cầm độc lực cao (HPAI), bắt đầu từ năm 2022 đến nay, buộc nông dân phải tiêu hủy khoảng 166 triệu con gà đẻ trứng trong 3 năm qua. Cuộc khủng hoảng này thậm chí còn trầm trọng hơn vào đầu năm 2025, với khoảng 18,8 triệu con gà đẻ trứng bị tiêu hủy trong tháng 1 – mức cao nhất trong 1 tháng kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Apple bị kiện tại Mỹ vì cáo buộc “tẩy xanh”: Truyền thông Mỹ ngày 27/2 đưa tin một nhóm khách hàng mua đồng hồ Apple Watch đã đệ đơn kiện dân sự tại Thung lũng Silicon cáo buộc “táo khuyết” đã phóng đại mức độ thân thiện với môi trường của sản phẩm đeo tay thông minh này.
Trong đơn kiện đề ngày 26/2, các nguyên đơn cho rằng tuyên bố của Apple về trung hòa carbon là sai sự thật và gây hiểu lầm, vì cả 2 dự án mà gã khổng lồ công nghệ này nhăc đến trong các tuyên bố về thân thiện với môi trường đều không thực sự đóng góp cho mức giảm phát thải carbon.
Hai dự án được nhắc tới bao gồm dự án Chyulu Hills ở Kenya về tạo ra tín chỉ carbon bằng cách ngăn chặn phá rừng và dự án Guinan ở Trung Quốc về trồng rừng ở các vùng đất cằn cỗi. Trên thực tế, dự án Chyulu Hills được thực hiện ở vùng đất đã được pháp luật Kenya bảo vệ khỏi nạn phá rừng từ năm 1983, trong khi dự án Guinan được thực hiện tại khu vực đã có nhiều rừng trước khi dự án bắt đầu.
Theo BSA Media
Ngày đăng: 28/2/2025
Có thể bạn quan tâm
Thị trường 24/7: Google đầu tư 2 tỷ USD đặt trung tâm dữ liệu tại Malaysia; Ví Moca tuyên bố dừng hoạt động
Thị trường 24/7: Giá vàng nhẫn vượt 96 triệu đồng/lượng; Giá gạo xuất khẩu đảo chiều, tăng liên tục
Thị trường 24/7: VN-Index vượt 1.330 điểm; Hàn Quốc lập quỹ 30 tỷ USD hỗ trợ công nghệ tiên tiến
Giá vàng thế giới tăng mạnh, có lúc vượt ngưỡng 2.020 USD/ounce
Giá vàng thế giới tăng sốc
Tin khác


Thị trường 24/7: Giá vàng giảm hơn 3 triệu đồng/lượng; Xuất khẩu của Thái Lan tăng tháng thứ 8 liên tiếp

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này