16:53 - 23/12/2024
Thị trường 24/7: USD tự do hướng đến mốc 26.000 đồng; Quy mô thương mại điện tử vượt 25 tỷ USD
Vàng miếng SJC tăng mạnh: Sáng 23/12, giá vàng miếng SJC được Công ty SJC niêm yết mua vào 82,3 triệu đồng/lượng, bán ra 84,3 triệu đồng/lượng, tăng mạnh nửa triệu đồng mỗi lượng so với cuối tuần.
Đây cũng là mức giá bán vàng miếng SJC tại Công ty PNJ, DOJI, Bảo Tín Minh Châu. Riêng Công ty Mi Hồng mua vào vàng miếng cao hơn, quanh 83,5 triệu đồng/lượng. Các ngân hàng cũng đồng loạt tăng giá giao dịch vàng miếng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn và vàng trang sức các loại lại biến động khá bất ngờ. Công ty SJC niêm yết giá vàng nhẫn 99,99 mua vào 82,3 triệu đồng/lượng, bán ra 84,1 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 300.000 đồng mỗi lượng so với cuối tuần. Các doanh nghiệp khác cũng điều chỉnh giá vàng nhẫn trơn có sự cách biệt như PNJ và DOJI bán ra 84,3 triệu đồng trong khi Mi Hồng bán ra 84,2 triệu đồng/lượng.
Tiền vào chứng khoán lại ‘tụt áp’: Dù chỉ số chốt phiên hôm nay 23/12 trong sắc xanh, nhưng thanh khoản của thị trường lại đi xuống với 12.300 tỷ đồng được giao dịch trên sàn HoSE.
VN-Index duy trì được sắc xanh trong toàn bộ thời gian giao dịch và kết phiên tăng 5,26 điểm (tương đương 0,42%) lên 1.262,76 điểm. Toàn sàn HoSE có 263 mã tăng, 74 mã đứng giá và 135 mã giảm.
Thanh khoản phiên hôm nay tiếp tục đi xuống 494,7 triệu cổ phiếu khớp lệnh, tương đương giá trị giao dịch đạt 12.306 tỷ đồng. Top 5 mã hút dòng tiền mạnh nhất sàn HoSE phiên hôm nay gồm: STB, FPT, HPG, MWG, DBC.
Khối ngoại cũng đua bán ròng trong phiên khởi sắc với 274 tỷ đồng trên sàn HoSE và 20 tỷ đồng sàn UPCoM. Nhóm mã bị bán ròng mạnh nhất thị trường là VCB, FPT, VTP, VRE, BID, VNM. Ngược lại, nhà đầu tư ngoại mua mạnh các mã HPG, HDG, CTG, NVL, BMP.
USD tự do hướng đến mốc 26.000 đồng: Sáng 23/12, giá USD tại các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm. Chẳng hạn, Vietcombank mua USD chuyển khoản ở mức 25.220 đồng, bán ra 25.530 đồng, giảm 10 đồng so với cuối tuần qua. Trong khi đó, Eximbank giữ nguyên giá mua chuyển khoản ở mức 25.270 đồng nhưng giảm 10 đồng ở chiều bán ra, xuống 25.530 đồng…
Ngược lại, giá USD tự do tăng mạnh. Tại một số điểm thu đổi ngoại tệ tại TP.HCM, giá USD được mua vào ở mức 25.780 đồng và bán ra 25.860 đồng, tăng 50 đồng so với cuối tuần qua. Hiện giá bán ra của USD trên thị trường tự do cao hơn các ngân hàng 320 đồng.
Giá USD thế giới tăng nhẹ sáng đầu tuần. Chỉ số USD-Index đạt 107,56 điểm, tăng 0,2 điểm so với hôm qua.
50% cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam bị tấn công mạng trong năm 2024: Năm 2024 cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam liên tục đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng trên không gian mạng, đặc biệt là sự gia tăng đáng kể về số lượng và quy mô các vụ tấn công. Nhiều vụ việc nghiêm trọng đã xảy ra, nhắm vào các doanh nghiệp, tổ chức lớn như VNDirect, PVOIL, Vietnam Post và các cơ sở y tế, giáo dục… cho thấy bất kỳ lĩnh vực nào cũng có thể là mục tiêu tấn công của tội phạm mạng.
Theo báo cáo của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, có tới 46,15% cơ quan, doanh nghiệp cho biết đã từng bị tấn công mạng ít nhất 1 lần trong năm qua, trong đó 6,77% thường xuyên bị tấn công. Tổng số vụ tấn công mạng trong năm ước tính lên tới hơn 659.000 vụ.
Theo báo cáo của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an, chỉ tính riêng các đơn vị trọng yếu đã có tới hơn 74.000 cảnh báo tấn công mạng, trong đó có 83 chiến dịch tấn công có chủ đích APT.
Quy mô thương mại điện tử vượt 25 tỷ USD: Theo báo cáo từ hội nghị tổng kết của Bộ Công Thương chiều 23/12, thương mại điện tử vẫn là kênh phân phối quan trọng, hỗ trợ tiêu thụ lượng lớn hàng hóa, nông sản cho doanh nghiệp, người dân, đặc biệt khi vào vụ thu hoạch.
Năm nay, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước vượt mốc 25 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2023. Số này cao hơn so với dự báo 22 tỷ USD trước đó của Google, Temasek, Bain & Company đưa ra tại báo cáo “e-Economy SEA 2024”. Như vậy, trong khu vực, quy mô thương mại điện tử Việt Nam hiện chỉ sau Indonesia (65 tỷ USD) và Thái Lan (26 tỷ USD).
Chiếm hơn 60% về quy mô của nền kinh tế số Việt Nam năm nay, thương mại điện tử là một trong hai động lực tăng trưởng chính, cùng du lịch online. Các lĩnh vực còn lại gồm gọi xe – thực phẩm, truyền thông trực tuyến.
EC điều tra sản phẩm hợp kim mangan và silicon: Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU cho biết, ngày 19/12, Ủy ban châu Âu (EC) đã đăng công báo thông báo số C/2024/7541 về việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại mới các sản phẩm hợp kim mangan và silicon.
Để có được thông tin cần thiết cho cuộc điều tra của mình, EC sẽ công bố các bảng câu hỏi. Các bảng câu hỏi đã hoàn thành phải được gửi đến EC trong vòng 21 ngày kể từ ngày công bố thông báo này.
Tất cả các bên quan tâm bao gồm nhà sản xuất xuất khẩu, nhà nhập khẩu và người sử dụng sản phẩm liên quan và các hiệp hội được mời nêu quan điểm của mình bằng văn bản, gửi thông tin và cung cấp bằng chứng hỗ trợ. Các ý kiến trình bày theo định dạng sẵn phải được gửi trong vòng 21 ngày kể từ ngày công bố Thông báo này trên Công báo chính thức của EC.
Phía Thương vụ đề nghị hiệp hội và các doanh nghiệp Việt Nam liên quan liên hệ với các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương hoặc trực tiếp trả lời câu hỏi đã được công bố của EC.
Xuất khẩu rau quả chính thức vượt 7 tỷ USD: Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), ước tính kim ngạch xuất khẩu trong tháng 12 đạt 474 triệu USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả cả năm 2024 lên 7,1 tỷ USD – con số kỷ lục của ngành rau quả Việt Nam, tăng gần 27%, tương ứng với con số tăng 1,5 tỷ USD so với năm 2023.
Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ rau quả chính của Việt Nam, tính đến hết tháng 11 đạt kim ngạch tới 4,3 tỷ USD và tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Đứng thứ 2 là Mỹ với 320 triệu USD tăng 37%, Hàn Quốc đạt 289 triệu USD xếp thứ 3.
Trong nhóm 10 thị trường chính, đáng chú ý là sự sụt giảm từ thị trường Hà Lan, chỉ đạt 101 triệu USD, giảm 26% so với năm trước. Sầu riêng vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của rau quả Việt Nam với kim ngạch ước đạt khoảng 3,3 tỷ USD, tăng khoảng 1,1 tỷ USD so với năm 2023.
Hơn 50% người dân Hàn Quốc sẽ giảm chi tiêu tiêu dùng vào năm 2025: Báo cáo “Khảo sát kế hoạch chi tiêu tiêu dùng quốc gia năm 2025” của Hiệp hội Kinh tế Hàn Quốc cho biết, cuộc khảo sát đã được tiến hành trên 1.000 người từ 18 tuổi trở lên trên cả nước từ ngày 13-20/11 năm nay. Có 53% số người được hỏi cho biết họ đã lên kế hoạch giảm chi tiêu tiêu dùng trong năm tới. Chi tiêu tiêu dùng hộ gia đình năm tới dự kiến sẽ giảm trung bình 1,6% so với năm nay.
Xét từng nhóm thu nhập, tiêu dùng dự kiến sẽ có sự phân cực. Mức tiêu dùng ở nhóm thu nhập từ 1 đến 3 (chiếm 60%, thuộc số người thu nhập trung bình trở xuống) dự kiến sẽ giảm trong năm tới, trong khi mức tiêu dùng ở nhóm 4 đến 5 (chiếm 40%, thuộc số người thu nhập trung bình trở lên) dự kiến sẽ tăng.
Theo Hiệp hội Hợp tác Kinh tế Hàn Quốc, người thu nhập càng thấp thì càng nhạy cảm với tác động của lạm phát cao và suy thoái kinh tế nên sự sụt giảm chi tiêu tiêu dùng có xu hướng tăng tỷ lệ nghịch với mức thu nhập. Xét về các mặt hàng dự kiến sẽ giảm mức tiêu dùng, phổ biến nhất là du lịch, ăn uống và lưu trú, giảm 17,6%; tiếp theo là văn hóa và giải trí, giảm 15,2% và quần áo, giày dép giảm 14,9%.
Theo BSA Media
Ngày đăng: 23/12/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này