16:35 - 06/09/2023
Thị trường 24/7: Thu gần 2.000 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng trong 8 tháng; Giá gạo xuất khẩu tăng cao, doanh nghiệp vẫn kêu lỗ
Gojek hợp tác Selex Motors sử dụng xe máy điện tại Việt Nam: Từ ngày 6/9, người dùng Gojek sẽ có thể trải nghiệm dịch vụ GoRide, GoFood và GoSend với dòng xe máy điện Selex Camel, theo báo Thanh Niên.
Các mẫu xe Selex Camel sử dụng công nghệ đổi pin, cho phép người lái xe có thể đổi pin nhanh và hiệu quả trong vòng 2 phút tại trạm đổi pin chung, đạt được phạm vi vận chuyển lên tới 150 km cho một lần sạc đầy. Thông qua dự án thí điểm với Selex, đối tác tài xế Gojek có thể đổi pin miễn phí tại hơn 30 trạm đổi pin ở Hà Nội và hơn 40 trạm tại TP.HCM. Selex Camel còn được trang bị bộ sạc di động, giúp người lái xe có thể sạc tại nhà dễ dàng, đáp ứng các nhu cầu sạc khác nhau của các đối tác tài xế.
Ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, Giám đốc điều hành Selex Motors, chia sẻ: “Xu hướng chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh là quan trọng trong bối cảnh môi trường đang bị đe dọa bởi tác động của biến đổi khí hậu. Sự hợp tác giữa Selex Motors và Gojek không chỉ giúp tài xế tiết kiệm chi phí vận hành, mà còn thúc đẩy phát triển phương tiện giao thông không khói, với mục tiêu ‘xanh hóa’ thành phố thông qua một hệ sinh thái xe máy điện tối ưu và công nghệ đổi pin tiện lợi, hiệu quả”.
Doanh nghiệp Trung Quốc đến ĐBSCL tìm cơ hội hợp tác, đầu tư: Chiều 5/9, tại TP Cần Thơ đã diễn ra chương trình giao lưu – kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), theo báo Tuổi Trẻ.
Ông Nguyễn Phương Lam – giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ – cho biết ĐBSCL là vùng trung tâm sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất của Việt Nam, đang được Chính phủ đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng, có rất nhiều tiềm năng và cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Trung Quốc.
Lũy kế đến nay toàn vùng có hơn 401 dự án đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc với tổng vốn đầu tư 2,4 tỷ USD, chỉ chiếm 10% tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam. Tuy nhiên, các dự án này chỉ tập trung tại các tỉnh Tiền Giang, Long An, Hậu Giang và Bến Tre, còn TP Cần Thơ và các tỉnh còn lại trong vùng chưa có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư.
Chỉ 20/85 nhà máy điện tái tạo chuyển tiếp đã bán điện: Trong số 85 dự án điện tái tạo chuyển tiếp, hiện có 43 dự án đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng chỉ 20 nhà máy được công nhận ngày vận hành thương mại và chính thức bán điện, báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết.
Theo Bộ Công Thương, xác định việc đàm phán giá chính thức giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và chủ đầu tư của 85 dự án chuyển tiếp sẽ mất nhiều thời gian. Do đó, bộ này đã ban hành chỉ đạo EVN đàm phán giá điện tạm thời với chủ đầu tư và cho vận hành phát điện lên lưới điện khi đã hoàn thành đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định.
Bộ Công Thương cho hay có 79/85 dự án chuyển tiếp với tổng công suất 4.449MW đã nộp hồ sơ đến EVN. Còn 6/85 dự án với tổng công suất 284MW (chiếm 6%) chưa gửi hồ sơ đàm phán dù EVN đã đôn đốc nhiều lần. Trong số các dự án đã nộp hồ sơ đàm phán, hiện có 68 dự án đã thỏa thuận giá điện với EVN, 67/68 dự án đã thỏa thuận giá điện tạm thời bằng 50% khung giá phát điện để làm cơ sở ký kết hợp đồng mua bán điện và vận hành thương mại. Hiện có 43/61 dự án (đã được Bộ Công Thương duyệt giá tạm) đã và đang trong giai đoạn thử nghiệm. Trong đó, chỉ mới 20 dự án với tổng công suất 1.171MW đã được công nhận ngày vận hành thương mại.
Giá gạo xuất khẩu tăng cao, doanh nghiệp vẫn kêu lỗ: Hoạt động xuất khẩu gạo thuận lợi (riêng tháng 8 gần 1 triệu tấn) nhờ nguồn cung thế giới khan hiếm và giá tăng cao. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, thậm chí thua lỗ, do chưa nắm bắt kịp thông tin thị trường.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch VFA, được báo Thanh Niên dẫn lời, lý giải về hiện tượng này: “Vào thời điểm tháng 5/2023, đại diện VFA có cuộc gặp với đại diện lãnh đạo TREA (Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan) tại TP.HCM. Chúng tôi đã trao đổi với nhau và đi đến thống nhất trong nhận định rằng Ấn Độ sẽ đưa ra các chính sách hạn chế xuất khẩu gạo trong năm 2023. Với nhận định trên, chúng tôi tin rằng giá lúa gạo vụ hè thu sẽ không giảm như thông lệ hàng năm mà sẽ đi lên. Hiệp hội có chia sẻ thông tin với các hội viên. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không nghĩ như thế (vì năm nay giá gạo xuất khẩu luôn duy trì mức cao), nên vẫn ký hợp đồng với đối tác. Đến khi Ấn Độ ban bố lệnh cấm, các doanh nghiệp bị bất ngờ nên trở tay không kịp”.
Còn ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp khó khăn do thị trường có nhiều biến động bất thường và một số doanh nghiệp thiếu thông tin thị trường. Thị trường nội địa cũng biến động mạnh, có một số thời điểm giá gạo trong nước tăng nhanh hơn giá thế giới. Để hạn chế các tác động tiêu cực, hoạt động xuất khẩu gạo cần chuyển hướng theo chuỗi giá trị, kết nối cung cầu và thị trường. Hiện tại mới chỉ có một số doanh nghiệp làm được việc này nhưng ở góc độ cả ngành hàng vẫn chưa định hình.
Việt Nam nằm trong điểm lựa chọn của các nhà sản xuất bán dẫn: Việt Nam là một trong hai quốc gia hàng đầu mà các nhà sản xuất bán dẫn trên thế giới có kế hoạch lựa chọn đầu tư cho thế hệ tiếp theo, theo Bain & Company, tập đoàn tư vấn quản lý toàn cầu.
“Khi chúng tôi trao đổi với khách hàng là các tập đoàn bán dẫn toàn cầu, họ đều nói rằng Việt Nam đứng vị trí 1 hoặc thứ 2 trong kế hoạch đầu tư cho thế hệ tiếp theo của họ”, ông Wade Cruse đối tác điều hành khu vực Đông Nam Á của Bain & Company, được TBKTSG dẫn lời nói. Ông cũng cho rằng cơ hội và triển vọng cho Việt Nam về thu hút đầu tư ngành bán dẫn chắc chắn là có, bên cạnh Ấn Độ.
Nói về lợi thế của Việt Nam để thu hút đầu tư của các nhà sản xuất bán dẫn toàn cầu, ông Wade Cruse cho rằng Việt Nam có hệ sinh thái ngành bán dẫn được hình thành rất tốt, có tài năng, kỹ thuật công nghệ, và có cả hệ thống những công ty nhỏ phục vụ cho ngành. Thời gian qua cũng có các nhà sản xuất bán dẫn và thiết kế bán dẫn đã tìm hiểu và đầu tư vào Việt Nam. Các chuyên gia trong ngành tin rằng Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới nếu tận dụng tốt yếu tố thuận lợi, có chiến lược phù hợp, chính sách khuyến khích, ưu đãi lớn cho lĩnh vực vi mạch.
Thu gần 2.000 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng trong 8 tháng: TTXVN dẫn nguồn tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 8 tháng năm 2023, cả nước thu gần 2.000 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 59,8% kế hoạch năm và giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Lê Văn Thanh, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cho biết, số tiền thu dịch vụ môi trường rừng đến thời điểm này giảm mạnh, bởi quý 3 hàng năm mới là thời gian cao điểm thu tiền dịch môi trường rừng. Bên cạnh đó, hai quý đầu năm nay lượng mưa sụt giảm đáng kể, nước về các hồ thủy điện ít đi. Nhiều hồ thủy điện ở miền Bắc đầu năm do hạn hán, mưa ít còn thiếu nước phát điện nên nguồn thu giảm. Sản lượng điện tiêu thụ của các địa phương cũng giảm nên tác động đến nguồn thu tiền dịch vụ môi trường rừng.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Thanh cho biết, với kế hoạch thu đặt ra năm 2023 là 3.200 tỷ đồng sẽ cơ bản đảm bảo. Bởi năm nay, Việt Nam sẽ có thêm nguồn thu dịch vụ môi trường rừng mới từ Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA). Đến nay, cả nước có 718 chủ rừng đang quản lý 7,65 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp; có 417 phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt, đạt 58% tổng số phương án cần phê duyệt; có 445.500 ha được cấp chứng chỉ rừng (rừng phòng hộ 38.565 ha, rừng trồng sản xuất 407.000 ha).
Malaysia đặt tham vọng trở thành trung tâm hydro xanh của khu vực: Để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, các công ty năng lượng ở Đông Nam Á đang tăng cường cam kết đạt mức phát thải carbon bằng 0 thông qua các khoản đầu tư quan trọng vào công nghệ và danh mục tài sản năng lượng sạch bao gồm hydro.
Tại Malaysia, những nỗ lực này phù hợp với vai trò tích cực của Chính phủ trong việc thúc đẩy hydro xanh nhằm đẩy nhanh hành động về khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc xây dựng các chính sách và quy định nhằm hỗ trợ tăng trưởng của ngành và thu hút đầu tư, theo TTXVN.
Thông qua hợp tác với Đại học Quốc gia Malaysia (UKM), Petronas – công ty dầu khí thuộc sở hữu của Chính phủ Malaysia – đã phát triển máy điện phân màng trao đổi proton (PEM) để sản xuất hydro có hàm lượng carbon thấp hơn. Đây là máy điện phân hydro thương mại đầu tiên được sản xuất tại Đông Nam Á, trong khi các máy khác chủ yếu được sản xuất ở châu Âu, Mỹ và Đông Á.
Máy điện phân PEM của Petronas đạt hiệu suất tăng khoảng 20% so với công nghệ đã tồn tại lâu đời hơn sử dụng PEM hiện có trên thị trường và máy điện phân nước kiềm (AWE). Điều này cho phép máy điện phân sản xuất hydro với chi phí thấp hơn nhiều và góp phần đạt được tính kinh tế theo quy mô vốn là yếu tố hết sức quan trọng để thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi hơn hydro xanh. Sự đột phá của Petronas vào lĩnh vực hydro xanh được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của công ty trong việc sản xuất hydro xanh tại các nhà máy hóa dầu và nhà máy lọc dầu. Cùng với những tiến bộ trong nghiên cứu và phát triển điện phân, công ty năng lượng toàn cầu này còn tự khẳng định mình là nhà cung cấp giải pháp hydro xanh cạnh tranh.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này