16:24 - 23/08/2024
Thị trường 24/7: Lãi suất tiền gửi cán mốc 6,9 – 7,4%/năm; Một tháng, TGDĐ đóng cửa 94 nhà thuốc An Khang
Vàng nhẫn giảm 200.000 đồng mỗi lượng: Sáng nay, giá vàng nhẫn 99,99 loại 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ tại công ty SJC đã giảm 200.000 đồng so với chốt trước, niêm yết ở mức 76,9 – 78,2 triệu đồng/lượng. Trước đó, vàng nhẫn đã duy trì mức bán ra 78,4 triệu đồng/lượng trong 2 phiên liên tiếp.
Giá vàng miếng SJC tại 4 ngân hàng và SJC sáng nay duy trì ở mức 81 triệu đồng/lượng. Ở chiều mua, SJC tiếp tục niêm yết giá ở mức 79 triệu đồng/lượng. Các doanh nghiệp khác cũng niêm yết giá mua – bán ở mức 79 – 81 triệu đồng/lượng. Riêng Mi Hồng sáng nay niêm yết giá mua ở mức 79,5 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng so với phiên trước.
Phiên đêm qua, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ giảm 1,2% xuống còn 2.518,1 USD/ounce trước áp lực từ sự phục hồi của đồng đô la và lợi suất trái phiếu kho bạc cao hơn.
Giá USD ngân hàng và thị trường tự do cùng tăng: Ngày 23/8, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở 24.250 đồng/USD, tăng 5 đồng/USD so với hôm qua.
Tại các ngân hàng thương mại, Vietcombank báo giá USD mua vào ở mức 24.850 đồng/USD và bán ra với giá 25.190 đồng/USD. Các ngân hàng khác mua bán USD chênh từ 10-20 đồng/USD so với mức giá của Vietcombank đưa ra. So với hôm qua, giá USD ở các ngân hàng tăng tới 70 đồng và tăng tổng cộng 110 đồng trong vòng 3 ngày qua.
Trên thị trường tự do, giá USD cũng tiếp tục đi lên. Một số điểm thu đổi ngoại tệ ở TP.HCM báo giá mua vào ở mức 25.210 đồng/USD và bán ra tại 25.290 đồng/USD, tăng 20 đồng/USD so với hôm qua.
Cổ phiếu lớn kéo VN-Index: Theo thống kê, toàn sàn HoSE có 212 mã giảm, so với 172 mã tăng và 99 mã đứng giá. Tuy nhiên, rổ VN30 lại trái ngược với bảng điện chung với 13 mã tăng, trong khi số mã giảm chỉ có 8 mã.
Việc nhóm cổ phiếu có vốn hóa được kéo xanh trong đợt khớp lệnh ATC, giúp cho chỉ số có phiên tăng điểm ở thời điểm đóng cửa. Kết phiên hôm nay 23/8, VN-Index tăng nhẹ nhàng 2,54 điểm (tương đương 0,2%) lên 1.285,3 điểm.
Thanh khoản phiên hôm nay đứng ở mức thấp với xấp xỉ 724,5 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tương đương giá trị giao dịch đạt 16.840 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu hút dòng tiền được ghi nhận trong phiên hôm nay gồm có HCM, HPG, SSI, DIG, VPB.
Khối ngoại dù duy trì trạng thái “xả hàng” nhưng giá trị bán ròng chỉ có 77 tỷ đồng trên sàn HoSE.
Lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài cán mốc 6,9 – 7,4%/năm: Ngân hàng Nhà nước vừa công bố diễn biến lãi suất của tổ chức tín dụng đối với khách hàng tháng 7.
Theo đó, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,4 – 3,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4 – 4,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,5 – 6,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,9 – 7,4%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Về lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,9 – 9,3%/năm.
Hà Nội – TP.HCM vào top 10 đường bay tấp nập nhất Đông Nam Á: Nhà cung cấp dữ liệu du lịch toàn cầu OAG Aviation công bố danh sách 10 đường bay nội địa bận rộn nhất Đông Nam Á trong tháng 8/2024. Theo đó, đường bay Hà Nội – TP.HCM dẫn đầu với 949.246 ghế cung ứng, vượt xa so với các đường bay nội địa khác trong khu vực như Jakarta – Makassar (Indonesia) và Cebu – Manila (Philippines).
Đường bay Đà Nẵng – TP.HCM đứng thứ 5 với 427.779 ghế cung ứng, trong khi đường bay Đà Nẵng – Hà Nội xếp ở vị trí thứ 7, mặc dù công suất trên tuyến này đã giảm 31% so với tháng trước.
Các đường bay của Indonesia như Jakarta – Bali và Surabaya – Makassar, cùng với các đường bay nội địa khác tại Philippines, cũng nằm trong danh sách top 10 này.
Các đường bay nội địa khác lọt vào top 10 này còn có các đường bay của Indonesia như Surabaya – Makassar, Jakarta – Medan, Jakarta – Surabaya và Davao – Manila (Philippines).
Thế Giới Di Động đóng gần 100 nhà thuốc An Khang trong một tháng: Theo báo cáo tình hình kinh doanh mới đây, An Khang có 387 nhà thuốc hoạt động vào cuối tháng 7, giảm 94 điểm bán so với cuối tháng 6. Thực tế đến nay, chuỗi bán lẻ dược phẩm này chỉ còn 343 nhà thuốc. Nếu tính từ đầu năm, Công ty mẹ Thế Giới Di Động (MWG) đã đóng cửa 184 nhà thuốc, tương đương giảm 35% điểm bán trong mạng lưới của chuỗi này.
An Khang tiền thân là nhà thuốc Phúc An Khang, được MWG mua lại từ năm 2017. Thời gian qua, chuỗi bán lẻ này chưa ghi nhận lợi nhuận dương. Sau giai đoạn cao điểm của cuộc đua mở mới, họ lỗ lần lượt hơn 306 tỷ và gần 343 tỷ đồng trong 2022-2023. Trong nửa đầu năm nay, lợi nhuận của chuỗi nhà thuốc này vẫn âm hơn 172 tỷ, nâng mức lỗ lũy kế lên gần 834 tỷ đồng.
Thế Giới Di Động từng tham vọng mở tới 2.000 nhà thuốc vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, từ giữa năm 2022, họ đã ngừng mở nhà thuốc mới để điều chỉnh mô hình kinh doanh, trước khi tiến hành mở rộng mạng lưới.
Xiaomi chịu lỗ hơn 9.000 USD/xe điện bán ra: Tập đoàn Xiaomi của Trung Quốc đã báo cáo doanh thu cao hơn dự kiến trong quý II. Báo cáo này lần đầu tiên tiết lộ đóng góp của mảng kinh doanh ôtô là 6,2 tỷ nhân dân tệ (869,2 triệu USD), theo Reuters.
Công ty này lần đầu tiên công bố việc tham gia vào lĩnh vực kinh doanh xe điện vào năm 2021 nhằm đa dạng hóa hoạt động kinh doanh ngoài điện thoại thông minh cốt lõi. Công ty đã giao 27.307 xe điện trong quý II, tạo ra doanh thu 6,2 tỷ nhân dân tệ (868 triệu USD). Kể từ tháng 6, Xiaomi đã triển khai các biện pháp tăng ca để đảm bảo lượng xe giao hàng hàng tháng vượt 10.000 xe.
Dù vậy, mảng kinh doanh ôtô của Xiaomi vẫn đang thua lỗ. Đơn vị này báo cáo khoản lỗ điều chỉnh là 1,8 tỷ nhân dân tệ (252 triệu USD) trong quý gần nhất, tương đương mức lỗ 9.200 USD/xe.
Trung Quốc vẫn là thị trường sản xuất robot công nghiệp lớn nhất thế giới: Tại Hội nghị Robot Thế giới 2024 ở Bắc Kinh, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cho biết nước này vẫn là thị trường sản xuất robot công nghiệp lớn nhất thế giới năm thứ 11 liên tục.
Dữ liệu cho thấy trong năm 2023, sản lượng robot công nghiệp của Trung Quốc đã đạt 430.000 bộ, trong khi các cơ sở sản xuất robot mới được bổ sung của nước này chiếm hơn một nửa thị trường toàn cầu trong ba năm qua, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) ông Xin Guobin cho biết.
Tính đến tháng 7/2024, Trung Quốc có hơn 190.000 bằng sáng chế liên quan đến robot có hiệu lực, chiếm khoảng 2/3 tổng số bằng sáng chế toàn cầu. Trong 10 năm qua, số lượng robot thay cho 10.000 công nhân trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã tăng đột biến từ 49 lên 470, cho thấy tự động hóa trong lĩnh vực sản xuất tăng trưởng rất mạnh.
Theo BSA Media
Ngày đăng: 23/8/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này