17:41 - 02/08/2024
Thị trường 24/7: Hàn Quốc chính thức cấp phép nhập khẩu bưởi VN; TP.HCM là điểm du lịch rẻ thứ 2 châu Á
SJC tăng giá mua vàng miếng: Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) sáng 2/8 điều chỉnh biểu giá niêm yết vàng miếng. Chiều mua vào từ người dân được nâng thêm nửa triệu đồng so với hôm qua, lên 78,3 triệu đồng. Còn chiều bán ra được công ty này giữ nguyên ở mức 79,8 triệu. Qua đó, chênh lệch giữa giá mua và bán thu hẹp từ 2 triệu đồng một lượng xuống 1,5 triệu đồng.
Giá vàng nhẫn trơn 24K sáng nay biến động không đáng kể, tăng nhẹ khoảng 50.000 đồng so với hôm qua. SJC niêm yết nhẫn trơn tại 76,25 – 77,6 triệu đồng một lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay cũng giao dịch ở vùng cao nhất tuần. Mỗi ounce vàng hiện neo ở mức 2.463 USD, quy đổi theo tỷ giá bán của Vietcombank tương đương 75,4 triệu đồng một lượng (chưa thuế, phí).
Giá USD dần hạ nhiệt: Trong phiên giao dịch ngày 2/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.242 đồng/USD, giảm 3 đồng so với phiên trước. Tuy nhiên, Sở giao dịch NHNN vẫn giữ nguyên niêm yết giá mua – bán USD ở mức 23.400 – 25.450 đồng/USD.
Đáng chú ý, giá USD tại các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm và cách khá xa mức trần cho phép. Nếu so với cách đây 1 tháng, giá bán USD đã giảm hơn 60 đồng tại kênh giao dịch này.
Tại Vietcombank – ngân hàng có doanh số giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống – tỷ giá đồng bạc xanh hiện được niêm yết ở mức 25.030 – 25.400 đồng/USD (mua – bán), cách mức trần NHNN cho phép 54 đồng. Tương tự, BIDV cũng niêm yết tỷ giá đổi đồng bạc xanh sáng nay ở mức 25.060 – 25.400 đồng/USD.
Chứng khoán phục hồi: Hôm nay, chỉ số của sàn HoSE mở cửa với diễn biến tiêu cực khi giảm hơn 13 điểm sau vài phút. Giằng co trong khoảng một giờ tiếp theo, chỉ số này bắt đầu giảm mạnh hơn từ 10h30. Có lúc, VN-Index thủng mốc 1.210 điểm.
Sang buổi chiều, chỉ số này dần phục hồi nhưng lực cầu trên thị trường còn yếu. Sau 14h, VN-Index lấy lại sắc xanh, song nhanh chóng rung lắc. Đến khoảng 14h20, nhà đầu tư mới bắt đáy cổ phiếu nhiều hơn đưa chỉ số này đi trên tham chiếu.
VN-Index đóng cửa ở 1.236,6 điểm, tăng gần 10 điểm – mức mạnh nhất hơn ba tuần qua. Tương tự, hai sàn HNX và UPCoM cũng lấy lại sắc xanh những phút cuối phiên.
Đà phục hồi hôm nay vẫn không giúp VN-Index tích lũy điểm số trong tuần này. Tính chung, chỉ số này giảm hơn 5,5 điểm.
Hàn Quốc chính thức cấp phép nhập khẩu bưởi Việt Nam: Tối 1/8, Bộ NN-PTNT thông tin tới báo chí, Hàn Quốc đã chính thức cấp phép cho các doanh nghiệp của nước này nhập khẩu bưởi Việt Nam.
Cụ thể, sau 3 tháng lấy ý kiến rộng rãi của các bên liên quan, Cục Kiểm dịch động thực vật Hàn Quốc (APQA) đã công bố trên website về quy định nhập khẩu đối với trái bưởi tươi từ Việt Nam sang Hàn Quốc.
Cả nước hiện có hơn 100.000ha trồng bưởi, với sản lượng hơn 900.000 tấn. Riêng đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 32.000ha, với sản lượng khoảng 370.000 tấn, được xem là vùng sản xuất trọng điểm.
Đây là loại quả tươi thứ 3 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Hàn Quốc, sau thanh long và xoài, góp phần nâng cao thương hiệu, uy tín nông sản Việt.
Xuất khẩu nông sản Việt Nam đối mặt gia tăng cảnh báo từ EU: Trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam ghi nhận sự gia tăng bất thường về số lượng cảnh báo từ EU, với tổng cộng 57 cảnh báo, tăng hơn 80% so cùng kỳ năm 2023 (31 cảnh báo).
Sự gia tăng này dẫn đến việc EU tăng cường tần suất kiểm tra biên giới đối với nông sản xuất khẩu từ Việt Nam. Hiện tại, 4 mặt hàng nông sản phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn, bao gồm thanh long (30%), ớt (50%), đậu bắp (50%) và sầu riêng (10%).
Trong nửa đầu năm 2024, hệ thống RASFF (Hệ thống thông tin về An toàn Thực phẩm và Thức ăn) ghi nhận tổng cộng 2.708 cảnh báo, trong đó Việt Nam chiếm 57 cảnh báo, tương đương 2,1%. Mặc dù tỷ lệ này nằm ở mức trung bình so với các quốc gia trong khu vực, nhưng nếu so với khi Việt Nam chỉ nhận 67 cảnh báo từ EU trong cả năm 2023, thì cho thấy sự gia tăng đáng kể.
TP.HCM là điểm du lịch rẻ thứ 2 châu Á: Danh sách 10 thành phố rẻ nhất châu Á để đi du lịch vừa được Tạp chí du lịch Mỹ Travel & Leisure công bố trong đó có Hà Nội và TP.HCM.
Để đưa ra danh sách, Travel+Leisure đã xem xét các tìm kiếm trên nền tảng du lịch trực tuyến Kayak từ tháng 1 đến tháng 6 về nhu cầu du lịch châu Á nửa cuối năm nay. Kết quả dựa trên tổng chi phí trung bình giá 1 vé máy bay khứ hồi hạng phổ thông và 1 đêm nghỉ tại phòng khách sạn đôi tiêu chuẩn.
Theo đó, TP.HCM nằm thứ 2 trong danh sách với tổng chi phí trung bình (cho 1 vé máy bay khứ hồi bay từ Mỹ và 1 đêm khách sạn) là 1.452 USD (khoảng 36,7 triệu đồng). Hà Nội cũng xếp thứ 9 trong danh sách với tổng chi phí trung bình là 1.546 USD (khoảng 39 triệu đồng).
Dẫn đầu danh sách thành phố rẻ nhất châu Á để “xê dịch” là Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc).
Giá vé máy bay cuối hè giảm mạnh: Theo số liệu khảo sát ngày 31/7, giá vé máy bay (chưa bao gồm thuế, phí) hạng phổ thông cơ bản trên các chặng bay nội địa có lưu lượng lớn (như Hà Nội – TP.HCM, Hà Nội – Đà Nẵng, Hà Nội – Cam Ranh/Nha Trang và Hà Nội – Phú Quốc) trong giai đoạn nửa đầu tháng 8 dao động khoảng 35 – 65% mức tối đa theo quy định.
Cụ thể, trên “đường bay vàng” Hà Nội – TP.HCM, mức giá vé cao nhất được Vietnam Airlines cung ứng khoảng 2,2 triệu đồng/chiều (giờ bay sau 17 giờ thứ sáu, ngày 2/8 là ngày cuối tuần).
Trong các ngày và những thời gian khởi hành khác, giá vé thấp hơn khá nhiều. Thấp nhất là Vietravel Airlines cung ứng loạt vé ở mức gần 750.000 đồng/chiều, tương đương 26% mức tối đa (các ngày từ 5 – 15/8 với khung giờ trước 9 giờ và sau 17 giờ).
Nhật Bản thiếu hụt gạo nghiêm trọng: Nhật Bản đang phải chịu tình trạng thiếu gạo do các vấn đề về chất lượng bắt nguồn từ đợt nắng nóng năm ngoái đã dẫn đến tình trạng phân phối giảm. Một số siêu thị đã hạn chế việc mua gạo để ngăn chặn tình trạng mua hàng hoảng loạn, và giá cả cũng tăng vọt do nhu cầu ăn uống bên ngoài tăng lên nhờ sự phục hồi của ngành du lịch.
Vụ thu hoạch lúa năm nay cũng được lo ngại sẽ bị ảnh hưởng bởi đợt nắng nóng, gây lo ngại cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. “Đây là lần đầu tiên gạo trở nên khan hiếm như vậy kể từ ‘cuộc bạo loạn gạo thời Heisei'”, Hiromichi Akiba, chủ tịch chuỗi siêu thị cỡ trung Akidai, cho biết, ám chỉ đến tình trạng thiếu gạo xảy ra vào năm 1993 do mùa hè lạnh giá và mùa màng thất bát.
Theo dữ liệu giá sản xuất gạo sơ bộ tháng 6 do Bộ Nông nghiệp công bố vào ngày 16 tháng 7, giá gạo lứt/60 kg tăng 14% so với cùng kỳ năm trước lên 15.865 Yên (2,68 triệu VND), mức cao nhất trong khoảng 11 năm.
Theo BSA Media
Ngày đăng: 2/8/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này