
16:33 - 25/07/2024
Thị trường 24/7: Giá xăng xuống dưới mốc 23.000 đồng/lít; Amazon lấn sân thị trường bán lẻ thuốc ở Nhật
Giá xăng xuống dưới mốc 23.000 đồng/lít: Theo quyết định của liên bộ Công Thương-Tài chính, từ 15 giờ ngày 25/7, giá xăng dầu trong nước tiếp tục được điều chỉnh giảm.
Cụ thể, giá xăng E5 RON92 giảm 274 đồng/lít, về ngưỡng 21.900 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 294 đồng/lít, giá mới là 22.884 đồng/lít; dầu diesel giảm 310 đồng/lít, còn 20.194 đồng/lít; dầu hỏa giảm 338 đồng, giá mới là 20.326 đồng/lít, còn dầu mazut giảm 433 đồng, xuống ngưỡng 17.178 đồng/kg.
Về quỹ bình ổn (BOG), Nhà điều hành quyết định không trích lập và không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu.
Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết tính đến thời điểm trước điều chỉnh giá, số dư quỹ bình ổn (BOG) tại doanh nghiệp là 3.078 tỷ đồng, không thay đổi so với kỳ công bố gần đây.
Vàng thế giới bất ngờ lao dốc: Vàng thế giới bất ngờ giảm sâu khỏi mốc tâm lý 2.400 USD/ounce sau khi Mỹ công bố thêm các dữ liệu kinh tế khá tích cực.
Cụ thể, giá vàng chốt phiên tại New York đêm 24-7 xuống 2.396,3 USD/ounce, giảm 12,7 USD so với phiên trước. Giá vàng giao ngay trên sàn Kitco sáng 25-7 (giờ Việt Nam) tiếp tục giảm còn 2.378,8 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, vào khoảng 9 giờ 30, giá vàng nhẫn 9999 quay đầu giảm theo giá vàng thế giới. Công ty SJC niêm yết vàng nhẫn 9999 ở mức 75,6 triệu đồng/lượng mua vào và 77 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 200.000 đồng cả 2 chiều mua và bán so với hôm qua.
Trong khi đó, vàng SJC vẫn được các doanh nghiệp niêm yết mức giá cũ. Công ty SJC, PNJ và Tập đoàn Doji niêm yết vàng SJC ở mức 77,5 triệu đồng/lượng mua vào và 79,5 triệu đồng/lượng bán ra.
Thanh khoản chứng khoán thấp nhất nửa năm: Sau nhiều phiên chứng khoán điều chỉnh, nhà đầu tư rơi vào tâm lý ngại giao dịch và chủ yếu đứng ngoài quan sát. Điều này khiến thanh khoản thị trường hôm nay giảm hơn 6.100 tỷ về khoảng 11.700 tỷ đồng. Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 25/1.
Buổi sáng, dòng tiền chỉ nhích dần dần, có lúc thấp hơn thanh khoản cùng kỳ hôm qua tới khoảng 4.000 tỷ. Bên bán chiếm lĩnh sàn HoSE từ sớm đẩy chỉ số đại diện về dưới tham chiếu, dần thủng mốc 1.230 điểm vào cuối buổi. Đến trước khi nghỉ trưa, tổng giá trị giao dịch mới ghi nhận hơn 4.500 tỷ đồng.
Thanh khoản vẫn tích lũy chậm chạp ở buổi chiều. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy dần xuất hiện giúp chỉ số của sàn HoSE cải thiện hơn. Chốt phiên, VN-Index dừng trên 1.233 điểm, giảm hơn 5 điểm so với hôm qua. Sắc đỏ cũng bao trùm lên rổ VN30 và hai sàn HNX, UPCoM.
CATSA tuyên bố sẽ đóng cửa toàn bộ 22 cửa hàng: Thương hiệu CATSA đã đóng 14/22 cửa hàng và sẽ ngừng kinh doanh toàn bộ chi nhánh vào tháng 8.
CATSA, thương hiệu thời trang 13 năm tuổi tại TP.HCM vừa tuyên bố sẽ đóng cửa hoàn toàn vào ngày 25/8. Bộ sưu tập cuối cùng cũng được ra mắt và bày bán cho đến lúc ngừng kinh doanh trên toàn quốc.
CATSA là một trong những thương hiệu thời trang nội địa có chỗ đứng trên thị trường nhờ sản phẩm chất lượng, giá cả phải chăng. Có thời điểm, số lượng cửa hàng trên toàn quốc của hãng chạm mốc 40.
Với khoảng 60.000 hàng tồn kho, CATSA sẽ triển khai chương trình từ thiện kết hợp bán hàng trên các nền tảng trực tuyến để hoàn tất việc đóng toàn bộ cửa hàng.
Hà Nội lọt top 15 thành phố có nền ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới: Chuyên trang du lịch Tripadvisor vừa công bố top 15 thành phố có nền ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới, trong đó có Hà Nội (Việt Nam).
Danh sách của Tripadvisor bao gồm các thành phố từ nhiều châu lục khác nhau. Châu Mỹ có Hawaii và New Orleans (Mỹ), Jamaica, Mexico City; châu Âu có Brussels (Bỉ), Naples (Ý), Athens (Hy Lạp), Barcelona (Tây Ban Nha), Paris (Pháp); châu Á có Bangkok (Thái Lan), Kyoto (Nhật Bản), Hà Nội (Việt Nam), New Delhi (Ấn Độ); và còn có Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Marrakech (Morocco).
Theo Tripadvisor, một trong những cách tuyệt vời nhất để khám phá một điểm đến là thông qua ẩm thực. Du khách sẽ có cơ hội thưởng thức các công thức nấu ăn truyền thống được truyền lại qua nhiều thế hệ, nếm thử các món ăn sáng tạo của cộng đồng địa phương và trải nghiệm các “khái niệm” ẩm thực hiện đại do những đầu bếp trẻ thực hiện.
Giá cà phê hạ nhiệt: Brazil đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch khiến giá thế giới hạ nhiệt. Với cà phê robusta, đây là ngày thứ 2 liên tiếp giảm đến 3 con số.
Trên sàn London, giá cà phê robusta tiếp tục giảm; kỳ hạn tháng 9 giảm thêm 154 USD xuống 4.327 USD/tấn; kỳ hạn tháng 11 giảm 151 USD còn 4.176 USD/tấn, kỳ hạn tháng 1.2025 giảm 136 USD xuống 4.006 USD/tấn. Tương tự, giá cà phê arabica trên sàn New York kỳ hạn tháng 9 giảm 174,9 USD xuống còn 5.182 USD/tấn, kỳ hạn tháng 12 giảm 162,8 USD xuống 5.179 USD/tấn và kỳ hạn tháng 3.2025 giảm 155,1 USD còn 5.138 USD/tấn.
Tại Brazil, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 giảm 4,4 USD xuống còn 6.464 USD/tấn, kỳ hạn tháng 12 giảm 5,5 USD xuống 6.485 USD/tấn, kỳ hạn tháng 3.2025 giảm 205,7 USD còn 6.240 USD/tấn.
Giá cà phê Tây nguyên cũng giảm 1.500 đồng/kg; tại Đắk Nông 125.500 đồng/kg, Đắk Lắk 125.200 đồng/kg, Gia Lai 124.800 đồng/kg, Kon Tum và Lâm Đồng 124.500 đồng/kg.
Amazon lấn sân thị trường bán lẻ thuốc ở Nhật Bản: Từ ngày 23/7, dịch vụ mới của Amazon chính thức hoạt động. Với sự hợp tác của khoảng 2.500 cửa hàng thuốc trên khắp Nhật Bản, dịch vụ này cho phép người mua nhận đơn thuốc điện tử sau khi được chẩn đoán trực tuyến thông qua ứng dụng chăm sóc sức khỏe toàn diện CLINICS hoặc tại bệnh viện và phòng khám.
Nhật Bản đã triển khai dịch vụ kê đơn thuốc điện tử kể từ tháng 1/2023 sau quá trình đẩy nhanh số hóa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe do dịch COVID-19, cho phép các hiệu thuốc bán theo đơn trực tuyến của bác sĩ.
Dịch vụ mà Amazon vừa ra mắt cũng sẽ hoạt động tương tự. Theo đó, người dùng có thể truy cập tài khoản Amazon để tư vấn qua video với dược sĩ và được hướng dẫn dùng thuốc. Dịch vụ vận chuyển của Amazon sau đó sẽ đưa thuốc đến tận nhà hoặc đến các hiệu thuốc gần nhà người bệnh.
Mỹ Latinh lên kế hoạch áp thuế đối với thép Trung Quốc: Chuyên trang thông tin thị trường Mỹ Latinh LexLatin mới đây đăng bài viết đánh giá về mối đe dọa từ các sản phẩm thép giá rẻ Trung Quốc tràn vào Mỹ Latinh, tác động đến sự phát triển của ngành thép khu vực, cũng như phản ứng và biện pháp của các nước khi đối phó với vấn đề này.
Theo bài báo, trong khoảng những năm 2000, Trung Quốc đóng góp 15% sản lượng thép toàn cầu. Đến năm 2023, con số này tăng lên hơn 54% và Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu thép thành phẩm hàng đầu thế giới. “Gã khổng lồ châu Á” hiện kiểm soát hoạt động sản xuất hợp kim này tại nhiều quốc gia vốn coi đó là ngành công nghiệp địa phương quan trọng.
Trước tình hình này, nhiều quốc gia Mỹ Latinh đã lên kế hoạch áp thuế đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm giảm tác động đối với nền kinh tế đất nước.
Theo BSA Media
Ngày đăng: 25/7/2024
Có thể bạn quan tâm
Giá vàng lao dốc khi kinh tế Mỹ tốt lên
Việt Nam xếp áp chót trong bảng chỉ số hồi phục của Nikkei
Thị trường 24/7: Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ cao nhất trong 6 tuần; VN Index thủng mốc 1.200 điểm
Chính thức khởi động chương trình Ứng viên HVNCLC 2024
Thị trường 24/7: Xuất khẩu rau quả giảm tốc; Giá xăng RON95-III về mức 20.500 đồng/lít
Tin khác


Thị trường 24/7: Giá USD ngân hàng tăng mạnh; Xuất khẩu rau quả sụt giảm liên tiếp trong 3 tháng

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này