Thị trường 24/7: Giá xăng dầu giảm mạnh; Sầu riêng Thái Lan chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc
Giá vàng miếng SJC tiếp tục neo cao: Ngày 22/8, giá bán vàng miếng SJC tiếp tục được Công ty vàng SJC và các ngân hàng thương mại giữ nguyên ở mức 81 triệu đồng/lượng. Ở chiều ngược lại, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp mua vào 79 triệu đồng/lượng.
Đây là mức giá cao nhất trong gần 3 tháng qua của vàng miếng SJC, kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước chuyển sang phương án bán vàng trực tiếp cho công ty SJC và 4 ngân hàng thương mại để các đơn vị này bán lẻ lại cho người dân.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn và vàng trang sức 24K các loại được giao dịch quanh 77,1 triệu đồng/lượng mua vào, 78,4 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 50.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua. Trên thị trường thế giới, lúc 9 giờ 30, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới được giao dịch ở mức 2.501 USD/ounce, giảm 10 USD mỗi ounce so với phiên trước.
Giá xăng dầu giảm mạnh: Chiều 22/8, liên bộ Công thương – Tài chính đã điều hành giá xăng dầu nội địa (bán lẻ) theo quy định.
Theo đó, kể từ 15 giờ ngày 22/8, giá xăng sinh học E5RON92 còn 20.424 đồng/lít (giảm 458 đồng/lít); xăng khoáng RON95-III còn 21.317 đồng/lít (giảm 535 đồng/lít). Tương tự, dầu diesel 0.05S còn 18.776 đồng/lít (giảm 454 đồng/lít); dầu hỏa còn 19.149 đồng/lít (giảm 423 đồng/lít) và dầu mazut 180CST 3.5S còn 15.756 đồng/kg (giảm 489 đồng/kg).
Như vậy, sau 5 lần giảm giá liên tiếp rồi đến 1 lần quay đầu tăng giá trong kỳ gần đây, chiều nay 22/8, giá các loại xăng dầu lại đồng loạt giảm.
Chứng khoán hụt hơi: Thị trường chứng khoán phiên giao dịch 22/8 với thanh khoản sụt giảm mạnh vì tâm lý nhà đầu tư bắt đầu e dè. VN-Index chốt phiên dưới tham chiếu, cắt đứt chuỗi tăng 3 phiên liền trước.
Các cổ phiếu góp phần kéo VN-Index giảm điểm là: HPG giảm 1,53%, VNM giảm 1,46%, GVR giảm 1,28%, MBB giảm 1,41%, GAS và SAB giảm gần 1%.
Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index giảm 1,27 điểm (0,1%) còn 1.282,78 điểm với 228 mã giảm, 171 mã tăng và 87 mã đứng giá. Ngược lại, chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index tăng nhẹ 0,05 điểm (0,02%) lên 238,47 điểm với 93 mã tăng, 67 mã giảm và 59 mã đứng giá. Thanh khoản giảm mạnh, tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE chỉ khoảng 15.600 tỷ đồng, giảm 5.100 tỷ đồng so với phiên trước.
Giá cà phê robusta sắp chạm ngưỡng lịch sử 5.000 USD/tấn: Giá cà phê robusta trên sàn London vào thời điểm mở cửa đã quay đầu giảm nhẹ sau 2 ngày tăng liên tiếp nhưng đến giữa phiên đã tăng trở lại. Đóng cửa kỳ hạn tháng 9 tăng 75 USD đạt mốc 4.954 USD/tấn; kỳ hạn tháng 11 tăng 13 USD đạt 4.632 USD/tấn, kỳ hạn tháng 1.2025 tăng 13 USD lên 4.440 USD/tấn.
Giá cà phê arabica trên sàn New York kỳ hạn tháng 9 giữ mức 5.500 USD/tấn, kỳ hạn tháng 12 tăng 16,5 USD lên 5.496 USD/tấn và kỳ hạn tháng 3/2025 tăng 25,3 USD lên 5.395 USD/tấn.
Tại Brazil, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 tăng 13,2 USD lên 6.683 USD/tấn, kỳ hạn tháng 12 giảm 9,9 USD xuống 6.568 USD/tấn, kỳ hạn tháng 3/2025 giảm 6,6 USD còn 6.564 USD/tấn.
Tại Tây nguyên, giá cà phê tăng 600 đồng/kg, tại Đắk Nông 125.600 đồng/kg, Đắk Lắk 125.200 đồng/kg, Gia Lai 124.500 đồng/kg, Kon Tum và Lâm Đồng 124.400 đồng/kg.
Cước vận tải biển giảm mạnh: Thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam cho biết giá cước vận tải biển toàn cầu đang có xu hướng giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Đặc biệt, trong tháng 8/2024, các tuyến vận tải từ châu Á đến bờ Tây nước Mỹ và châu Âu ghi nhận mức giảm mạnh nhất, dao động từ 20 – 30% so với tháng trước.
Nếu so sánh với thời kỳ đỉnh điểm vào tháng 9/2021, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn nghiêm trọng do đại dịch COVID-19, giá cước vận tải biển đã giảm tới 44%.
Đáng chú ý, mỗi tuần giá cước giảm trung bình từ 3 – 4%, phản ánh xu hướng giảm giá ổn định và dự báo sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, giá cước vận tải biển sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới, sau khi tình trạng tắc nghẽn tại các cảng lớn trên thế giới đã được giải quyết triệt để.
Thương hiệu sở hữu Labubu báo lãi lớn: Doanh thu tăng mạnh giúp Pop Mart – thương hiệu sở hữu Labubu – lãi 1,2 tỷ nhân dân tệ (4.204 tỷ đồng) nửa đầu năm, cao hơn lợi nhuận những năm trước 2023.
Báo cáo tài chính bán niên của Công ty TNHH Tập đoàn Quốc tế Pop Mart cho thấy, doanh thu đạt hơn 4,5 tỷ nhân dân tệ (tương đương 15.604 tỷ đồng), tăng 62% so với cùng kỳ. Con số này cao hơn doanh thu cả năm giai đoạn trước 2022. Trừ đi giá vốn, công ty lãi gộp hơn 2,9 tỷ nhân dân tệ, tăng 72%. Biên lợi nhuận gộp vượt 64%.
Labubu được sáng tạo bởi nghệ sĩ Hong Kong Kasing Lung vào năm 2015, lấy cảm hứng từ thần thoại Bắc Âu. Nó là quái vật nhỏ, răng nhọn, tạo nên “cơn sốt” sưu tập tại nhiều quốc gia châu Á sau khi Lisa (thành viên nhóm nhạc Blackpink) đăng tải hình ảnh sử dụng quái vật nhỏ như một món phụ kiện lên mạng xã hội.
Sầu riêng Thái Lan chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc: Trong quý II/2024, lượng sầu riêng tươi từ Thái Lan sang Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới – đã phục hồi sau khi giảm vào đầu năm nay.
Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này là do vụ thu hoạch theo mùa tăng đột biến, bên cạnh việc sầu riêng Thái Lan vẫn giữ được uy tín lâu năm về chất lượng. Theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc, sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan vào nước này đạt gần 2,67 tỷ USD, chiếm 75% tổng lượng trái cây nhập khẩu. Con số này cải thiện đáng kể so với mức 42,5% được ghi nhận trong quý I/2024. Ngoài ra, Thái Lan chiếm 68% thị phần nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc trong cả năm 2023.
Việt Nam – đối thủ cạnh tranh chính của Thái Lan, đã cung cấp gần như toàn bộ các lô hàng còn lại trong quý II. Sầu riêng Việt Nam có giá cạnh tranh hơn sầu riêng Thái Lan tại Trung Quốc do chi phí vận chuyển thấp hơn nhờ sử dụng đường vận chuyển qua biên giới đất liền.
Trung Quốc điều tra sản phẩm từ sữa của châu Âu: Ngày 21/8, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo các hãng sữa nước này đã đề nghị điều tra sản phẩm của châu Âu. Họ chỉ ra 20 chương trình trợ cấp khác nhau có thể làm lợi cho ngành sữa châu lục này, từ hỗ trợ tài chính cho các thiết bị làm nông, hỗ trợ thu nhập cho nông dân trẻ đến các trợ cấp về quản lý và môi trường.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, đánh giá sơ bộ cho thấy có đủ căn cứ để mở cuộc điều tra chống trợ cấp. Việc điều tra có thể kéo dài 18 tháng.
Châu Âu hiện là một trong những nhà xuất khẩu sản phẩm từ sữa lớn nhất thế giới. Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của châu Âu với các loại sữa bột gầy và sữa bột nguyên kem. Với các sản phẩm bơ và phomai, Trung Quốc hiện là thị trường lớn thứ ba và thứ 8 của EU.
Thông báo của Trung Quốc được đưa ra chỉ một ngày sau khi EU thông báo vẫn giữ kế hoạch áp thuế nhập khẩu bổ sung với hầu hết xe điện sản xuất tại Trung Quốc.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này