16:29 - 14/11/2024
Thị trường 24/7: Giá xăng, dầu đồng loạt giảm; Temu vẫn cho khách đặt hàng, thanh toán
Giá vàng tiếp đà giảm mạnh: Sáng 14/11, giá vàng trong nước tiếp tục đà giảm mạnh. Công ty vàng SJC niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào 80 triệu đồng/lượng, bán ra 83,5 triệu đồng/lượng, giảm thêm 500.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua. Từ đầu tuần tới nay, giá vàng miếng đã mất khoảng 2,5 triệu đồng/lượng.
Tương tự, giá vàng nhẫn và vàng trang sức cũng đi xuống. Công ty SJC giao dịch vàng nhẫn trơn mua vào chỉ còn 79 triệu đồng/lượng, bán ra 81,7 triệu đồng/lượng, giảm nửa triệu đồng/lượng mỗi lượng so với hôm qua. Công ty PNJ niêm yết giá vàng nhẫn mua vào 80 triệu đồng/lượng, bán ra 81,9 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, lúc 9 giờ theo giờ Việt Nam, giá vàng hôm nay trên thị trường quốc tế được giao dịch ở mức 2.567 USD/ounce, mất thêm khoảng 40 USD/ounce so với hôm qua.
Lãi suất tiết kiệm tăng: Ngày 14/11, Ngân hàng Việt Á (VietABank) công bố điều chỉnh tăng lãi suất huy động thêm 0,6 điểm % ở một số kỳ hạn. Theo đó, lãi suất online được ngân hàng này tăng lên 3,7%/năm kỳ hạn 1 tháng; kỳ hạn 2 tháng lên 3,9%/năm; kỳ hạn 9 tháng 5,4%/năm. Lãi suất cao nhất tại VietABank là 6%/năm khi khách gửi tiết kiệm online kỳ hạn 36 tháng. Nếu gửi tại quầy, lãi suất cao nhất là 5,6%/năm cho các kỳ hạn từ 24-36 tháng.
Tính đến ngày 14/11, một số ngân hàng đang huy động lãi suất trên 6%/năm khi khách gửi tại quầy cho các khoản tiền gửi dài hạn như Saigonbank 6%/năm; Oceanbank 6,1%/năm; DongABank 6,02%/năm; BacABank 6,15%/năm…
Ở khối ngân hàng thương mại nhà nước, lãi suất huy động cao nhất thuộc về VietinBank và Agribank, lãi suất 4,8%/năm khi khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 24 tháng; Vietcombank và BIDV huy động cùng kỳ hạn ở mức thấp hơn, 4,7%/năm…
VN-Index rơi xuống mức thấp trong 3 tháng: Giao dịch rung lắc diễn ra từ sớm khi VN-Index mở cửa phiên sáng 14/11. Chỉ số sàn HoSE giảm nhanh về gần 1.240 điểm, rồi bật trở lại vùng trên tham chiếu và thêm một nhịp đảo chiều do cầu chủ động yếu đi.
Kết phiên sáng, VN-Index giảm hơn 3 điểm về 1.242 điểm với thanh khoản giảm mạnh so với cùng giờ phiên hôm qua. Sau 14h, thị trường giao dịch kém tích cực hơn hẳn khi áp lực bán tăng cao. Toàn thị trường có lúc gần 500 mã giảm điểm. “Thủ phạm” kéo điểm số sụt mạnh nhất là nhóm ngân hàng, chứng khoán.
Kết phiên, VN30 mất gần 18 điểm. Trong khi VN-Index bị “thổi bay” hơn 14 điểm, lùi sâu về mốc 1.230 điểm. Không chỉ VN-Index, các chỉ số chứng khoán khác trong khu vực cũng đều thể hiện kém tích cực như SHCMP (-1,73%), NIKKEI 225 (-0,48%), TWSE (-0,63%).
Giá xăng, dầu đồng loạt giảm: Theo quyết định của liên bộ Công Thương-Tài chính, tất cả mặt hàng xăng dầu cùng đi xuống từ 15 giờ hôm nay (14/11).
Cụ thể, giá xăng E5 RON92 giảm 292 đồng/lít, xuống ngưỡng 19.452 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 247 đồng/lít, giá mới là 20.607 đồng/lít; dầu diesel giảm 344 đồng/lít, còn 18.573 đồng/lít; dầu hỏa giảm 306 đồng/lít, giá mới là 18.988 đồng/lít và dầu mazut giảm 385 đồng, xuống ngưỡng 16.009 đồng/kg.
Trong kỳ điều hành này, liên bộ không trích lập và không chi sử dụng Quỹ bình ổn đối với các mặt hàng xăng dầu. Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết tính đến thời điểm trước điều chỉnh giá, số dư quỹ bình ổn (BOG) tại doanh nghiệp là 3.080 tỷ đồng, không thay đổi so với kỳ công bố gần nhất.
Temu vẫn cho khách đặt hàng, thanh toán: Từ đầu tháng 11, mỗi khi truy cập vào website hay ứng dụng của Temu trên di động, người dùng đều nhận được thông báo nền tảng này đang làm việc với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) để đăng ký việc cung cấp dịch vụ TMĐT tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy các thao tác đặt hàng và thanh toán trên Temu hiện nay vẫn được người dùng thực hiện bình thường. Khi xác nhận đặt hàng, người dùng vẫn bị trừ tiền qua thẻ tín dụng.
Nền tảng TMĐT xuyên biên giới này cũng duy trì cam kết hoàn thành giao hàng trong vòng 4-6 ngày và sẵn sàng tặng người dùng 25.000 đồng vào tài khoản mua hàng trong trường hợp trễ hẹn hay hoàn tiền nếu trong 15 ngày không cập nhật tiến độ đơn hàng.
Giá cà phê tăng mạnh phiên thứ 3 liên tiếp: Giá cà phê robusta trên sàn London kỳ hạn tháng 1/2025 tăng 95 USD đạt mức 4.632 USD/tấn, kỳ hạn tháng 3/2025 tăng 91 USD lên 4.552 USD/tấn, kỳ hạn tháng 5/2025 tăng 92 USD lên 4.486 USD/tấn.
Giá cà phê arabica trên sàn New York tiếp tục tăng mạnh, kỳ hạn tháng 12 tăng thêm tới 178,2 USD lên mức 5.988 USD/tấn, kỳ hạn tháng 3/2025 cũng tăng 178,2 USD lên 5.980 USD/tấn, kỳ hạn tháng 5/2025 tăng đến 185,9 USD đạt 5.938 USD/tấn.
Giá cà phê Tây nguyên tăng thêm bình quân 1.200 đồng/kg, ở Đắk Nông 111.000 đồng/kg, Đắk Lắk 111.200 đồng/kg, Gia Lai 111.000 đồng/kg, Kon Tum và Lâm Đồng 110.000 đồng/kg.
Philippines tăng nhập khẩu gạo: Theo báo cáo cập nhật về thị trường gạo thế giới của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), dự báo nhập khẩu gạo của Philippines lên tới 5 triệu tấn, tăng thêm 300.000 tấn so với trước đó. Nhập khẩu gạo chủ yếu từ Việt Nam nên việc tăng nhập của Philippines có thể giúp xuất khẩu gạo của ta đạt kỷ lục mới.
Cụ thể, nhờ nhu cầu nhập khẩu của Philippines tăng mạnh giúp xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể đạt tới con số 8,9 triệu tấn, tăng thêm 300.000 tấn so với dự báo của USDA vào tháng trước.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 10 xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt gần 7,8 triệu tấn, giá trị gần 4,7 tỷ USD, tăng 10% về khối lượng và tăng 23% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Dù vậy theo USDA, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn xếp sau Thái Lan với dự báo sẽ đạt 9,3 triệu tấn, tăng thêm 400.000 tấn
100 quốc gia đã cam kết Net Zero: Gần một nửa quốc gia trên thế giới đã cam kết đạt Net Zero, chiếm khoảng 80% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, theo nền tảng dữ liệu Statista (Đức). Thống kê của nền tảng dữ liệu khí hậu Climate Watch (Mỹ) cho biết dẫn đầu tham vọng Net Zero là Phần Lan, với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2035.
Ở châu Âu, Iceland cũng hướng đến mục tiêu này khá sớm – vào năm 2040, trong khi Đức và Thụy Điển chọn thời điểm 2045. Ngoài châu Âu, những quốc gia cam kết đạt Net Zero sớm gồm Mauritania (2030) và Nepal (2045).
Nhiều quốc gia chọn năm 2050 làm mục tiêu, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, một số nền kinh tế lớn đặt mục tiêu đưa phát thải về 0 vào 2060 như Trung Quốc, Arab Saudi, Indonesia và Nga. Ấn Độ, quốc gia chịu trách nhiệm cho 7% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, nhắm đến 2070.
Theo BSA Media
Ngày đăng: 14/11/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này