Thị trường 24/7: Giá bán USD về sát mốc 25.000 đồng; Nước mắm Phan Thiết chính thức lên kệ siêu thị ở Mỹ
Vàng nhẫn 9999 tăng theo vàng thế giới: Sáng 26/8, Công ty SJC niêm yết vàng nhẫn 9999 ở mức 77,2 triệu đồng/lượng mua vào và 78,5 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 100.000 đồng cả 2 chiều mua và bán so với cuối tuần trước.
Trong khi đó, Công ty SJC, PNJ, Tập đoàn Doji vẫn niêm yết vàng miếng SJC ở mức 79 triệu đồng/lượng mua vào và 81 triệu đồng/lượng bán ra, giá không đổi so với tuần qua. Giá bán vàng miếng SJC tại 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước (BIDV, Agribank, Vietinbank và Vietcombank) sáng nay giữ mức 81 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco sáng 26/8 (giờ Việt Nam) tiếp tục tăng lên 2.514,3 USD/ounce, tăng 2 USD so với giá chốt phiên cuối tuần trước tại New York.
Giá bán USD về sát mốc 25.000 đồng: Đầu giờ chiều 26/8, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 24.680 – 25.050 đồng/USD (mua vào – bán ra). So với chốt phiên cuối tuần trước, giá mua và giá bán đã giảm 100 đồng.
Trong khi đó, NHNN hôm nay niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.254 đồng/USD, tăng 4 đồng so với phiên cuối tuần trước. Với biên độ +/-5%, tỷ giá trần hôm nay là 25.467 đồng/USD và tỷ giá sàn là 23.041 đồng/USD.
Diễn biến ngược chiều tỷ giá trung tâm cũng xảy ra tại các ngân hàng khác. BIDV đã điều chỉnh giảm 113 đồng so với cuối tuần trước, niêm yết ở mức 24.730 – 25.070 đồng/USD. VietinBank giao dịch ở mức 24.690 – 25.030 đồng/USD, tăng 10 đồng chiều mua nhưng giảm 100 đồng chiều bán.
Trên thị trường tự do, tỷ giá không biến động trong phiên hôm nay, giao dịch mua – bán hiện đứng tại 25.200 – 25.300 đồng/USD.
Trong báo cáo, các chuyên gia kinh tế của WB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm 2024 và 6,5% trong năm 2025 và 2026, cao hơn so với mức 5% của năm 2023, dựa trên khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thách thức ngày càng gia tăng trên toàn cầu.
Trước đó, trong dự báo được đưa ra hồi tháng 4, WB đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6% vào năm 2025.
Theo WB, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ cao hơn trong năm 2024, nhờ sự phục hồi trong hoạt động xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến, du lịch, tiêu dùng và đầu tư.
PNJ ghi nhận hơn 24.000 tỷ doanh thu sau 7 tháng: CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) công bố kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm 2024. Theo đó, sau 7 tháng, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 24.621 tỷ đồng (tăng 30,8% so với cùng kỳ) và 1.218 tỷ đồng (tăng 4% so với cùng kỳ). Như vậy, sau 7 tháng, PNJ đã hoàn thành 66,3% kế hoạch doanh thu thuần cả năm 2024.
Đáng chú ý, doanh thu từ trang sức bán lẻ lũy kế 7 tháng năm tăng 14,6% so với cùng kỳ nhờ sự đa dạng hóa các bộ sưu tập mới, phù hợp với xu hướng thị trường và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Doanh thu trang sức bán sỉ trong 7 tháng tăng 24,7% so với cùng kỳ.
Biên lợi nhuận gộp trung bình của PNJ giảm nhẹ xuống còn 16,4% (giảm so với mức 18,7% cùng kỳ năm 2023) do sự thay đổi cơ cấu doanh thu của từng mảng kinh doanh.
Một quỹ đầu tư Trung Quốc nắm hơn 91 triệu cổ phiếu VPBank: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank (VPB) vừa cập nhật thêm danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Bản công bố này dựa vào thông tin do chính cổ đông cung cấp cho ngân hàng.
Theo đó, danh sách mới cập nhật có hai cổ đông tổ chức, gồm Composite Capital Master Fund LP và Tianhong Vietnamese Market Equity Launched QDII Fund. Hai quỹ này lần lượt nắm hơn 135 triệu cổ phiếu (tương ứng 1,7% vốn điều lệ) và hơn 91 triệu cổ phiếu (1,147%) tại VPBank.
Thông tin trên Bloomberg, Tianhong Vietnamese Market Equity Launched QDII Fund vốn là quỹ mở được thành lập tại Trung Quốc. Quỹ này chuyên đầu tư vào thị trường cổ phiếu Việt Nam, đặc biệt theo dõi bộ chỉ số VN30. Quỹ đầu tư này phân bổ ít nhất 80% tổng tài sản vào cổ phiếu…
Nước mắm Phan Thiết chính thức lên kệ siêu thị ở Mỹ: Ông Trần Ngọc Dũng, Giám đốc Công ty TNHH SEAGULL thường được biết đến với thương hiệu nước mắm Làng Chài Xưa, cho hay vừa xuất khẩu thành công lô sản phẩm cho đối tác là CTWS Group ở Mỹ.
Trong lô hàng lần này của Làng Chài Xưa, ngoài sản phẩm truyền thống sản xuất từ cá cơm còn có dòng nước mắm chay Làng Chài Xưa “3 trong 1”, ủ từ trái thơm, cốt đậu nành và nấm ngọt Shiitake Nhật Bản. Ngoài ra, trong lô hàng xuất khẩu sang Mỹ lần này còn có nước mắm cốt nhỉ cá cơm than Làng Chài Xưa. Đây là sản phẩm nước mắm truyền thống đúng nghĩa của Việt Nam, được ủ chượp cá cơm than con to béo tươi trong thùng gỗ.
Tại Mỹ, thị trường nước mắm áp đảo bởi các nhà sản xuất đến từ Thái Lan, Hong Kong (Trung Quốc) do chiếm lĩnh thị trường từ sớm và giá rẻ bởi là nước mắm công nghiệp.
Dat Bike nhận khoản vay 4 triệu USD từ InfraCo Asia: Ngày 26/8, Dat Bike, nhà sản xuất xe máy điện tại Việt Nam công bố đã nhận được khoản vay chuyển đổi trị giá 4 triệu USD từ InfraCo Asia, thành viên của Tập đoàn Phát triển Hạ tầng Tư nhân (PIDG).
Khoản vay từ InfraCo Asia dự kiến sẽ hỗ trợ Dat Bike triển khai hơn 30.000 xe máy điện trong hai năm tới, góp phần giảm phát thải gần 26.000 tấn CO2 mỗi năm, đóng góp tích cực vào nỗ lực giảm thiểu khí thải carbon của Việt Nam.
Dat Bike, thương hiệu xe máy điện tại Việt Nam, đang nỗ lực mở rộng cơ sở vật chất và tối ưu hóa quy trình sản xuất để tăng cường sự tự động hóa. Đáng chú ý, hơn 90% linh kiện của Dat Bike hiện nay được sản xuất trong nước, thể hiện cam kết mạnh mẽ của công ty trong việc xây dựng chuỗi cung ứng nội địa và đổi mới sáng tạo.
Nhật Bản vật lộn với lạm phát tăng cao: Dữ liệu của Bộ Nội vụ Nhật Bản công bố cho thấy giá tiêu dùng (CPI) lõi của nước này trong tháng 7/2024 đã tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời ghi nhận tháng tăng thứ ba liên tiếp do chi phí năng lượng tăng lên sau khi chính phủ chấm dứt trợ cấp.
Mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng lõi toàn quốc, không tính thực phẩm tươi sống biến động, “nối dài” mức tăng 2,6% hồi tháng 6/2024.
Tỷ lệ lạm phát đã duy trì ở mức hoặc trên mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) kể từ tháng 4/2022. CPI lõi, loại bỏ cả năng lượng và thực phẩm tươi sống, đã tăng 1,9%.
Kết quả này nêu bật tình hình lạm phát đang diễn ra, mà đã gây sức ép lên các hộ gia đình Nhật Bản. Đồng yen suy yếu cũng đã đẩy giá nhập khẩu từ thực phẩm đến năng lượng tăng.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này