Thị trường 24/7: Cá ngừ Việt sang Mỹ gặp khó vì quy định lạ; Hàn Quốc triển khai thí điểm tiền kỹ thuật số
Giá vàng quay đầu giảm nhẹ: Chiều 20/3, các thương hiệu đều giảm giá vàng nhẫn và vàng miếng sau khi kim loại quý trên thị trường quốc tế rời vùng đỉnh 3.055 USD xuống vùng 2.040 USD một ounce.
Với vàng nhẫn trơn, SJC giảm 600.000 đồng một lượng xuống 97,7 – 99,7 triệu một lượng. PNJ hạ giá vàng nhẫn xuống 98,1 – 99,9 triệu. Còn tại Bảo Tín Minh Châu, chiều nay nhẫn trơn cũng giảm nhẹ về 98,85 – 10,06 triệu một lượng. Vàng miếng cũng giảm với biên độ tương ứng, được SJC hạ 800.000 đồng chiều mua vào và 600.000 đồng chiều bán ra so với sáng nay, xuống 97,8 – 99,8 triệu đồng.
Giá vàng trong nước tiếp tục có phiên giao dịch tăng cao hơn so với thế giới. Chênh lệch giữa hai thị trường hiện được nới rộng lên gần 6 triệu đồng một lượng trong khi cách đây một tháng chỉ “vênh” dưới 3 triệu đồng một lượng.
Giá xăng RON 95 vượt 20.000 đồng một lít: Giá xăng, dầu (trừ mazut, diesel) cùng tăng 20-440 đồng một lít từ 15h hôm nay, sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương – Tài chính.
Giá xăng RON 95-III (loại phổ biến trên thị trường) tăng 440 đồng, lên 20.080 đồng một lít. E5 RON 92 thêm 410 đồng, ở mức 19.690 đồng. Các mặt hàng dầu tăng, giảm trái chiều. So với cách đây 7 ngày, dầu diesel giữ nguyên ở 17.890 đồng một lít. Dầu hỏa và mazut lần lượt có giá mới 18.110 đồng và 16.950 đồng.
Nhà điều hành cho biết giá nhiên liệu tuần qua biến động do dự trữ sản phẩm xăng dầu của Mỹ giảm, căng thẳng gia tăng trở lại ở khu vực Trung Đông, sự bất ổn trong chính sách thuế của Mỹ với hàng hóa của các nước… Các yếu tố này khiến giá xăng dầu tăng, giảm tùy mặt hàng. Bình quân 7 ngày, xăng thành phẩm tăng khoảng 2,7-2,8%; dầu (trừ diesel) giảm 0,2-0,5%.
Cá ngừ Việt sang Mỹ gặp khó vì quy định lạ: Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), việc Cục Quản lý đại dương và khí quyển (NOAA), Bộ Thương mại Mỹ, gửi thông báo về phán quyết sơ bộ không công nhận tương đồng các biện pháp quản lý và bảo tồn thú biển của Việt Nam đối với 12 nghề khai thác hải sản đang tạo ra thách thức lớn cho ngành cá ngừ Việt.
Lý do NOAA đưa ra phán quyết sơ bộ này đối với Việt Nam là vì chưa có sự đảm bảo chắc chắn về việc triển khai các biện pháp quản lý, giám sát để hạn chế gây sát thương, đánh bắt không chủ ý đối với thú biển, đồng thời đảm bảo tương thích với quy định của Mỹ.
NOAA yêu cầu Việt Nam khẩn trương bổ sung bằng chứng và tiến độ thực hiện kế hoạch quản lý đối với các nghề khai thác, đảm bảo tương thích với quy định của Mỹ trước ngày 1/4. NOAA sẽ công bố kết luận cuối cùng trước ngày 30/11. Nếu sản phẩm hải sản, trong đó có cá ngừ, có nguồn gốc từ các nghề khai thác không được công nhận tương đồng với quy định của Mỹ sẽ bị cấm nhập khẩu vào Mỹ kể từ ngày 1/1/2026.
Mỹ kết luận sơ bộ CTC sản phẩm Việt Nam và Trung Quốc: Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, nhận được thông tin về việc Mỹ ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra CTC với sản phẩm đúc bằng sợi nhập khẩu từ Việt Nam.
Về thuế sơ bộ, theo kết luận sơ bộ, 18/26 chương trình bị điều tra bị xác định là trợ cấp, bao gồm 5 nhóm: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế khác, ưu đãi về đất, ưu đãi cho vay và tài trợ.
Theo kết luận sơ bộ vừa ban hành, mức thuế CTC sơ bộ như sau: công ty bị đơn bắt buộc là 3,39%; 3 công ty bị xác định không hợp tác là 173,51% (mức thuế được tính dựa trên thông tin sẵn có bất lợi là các công ty này nhận được trợ cấp trong tất cả các chương trình bị điều tra); các công ty còn lại là 3,39 % (tính theo mức của bị đơn bắt buộc).
Nhìn chung, mức thuế CTC sơ bộ của các doanh nghiệp Việt Nam (trừ 3 doanh nghiệp không hợp tác) thấp hơn của các doanh nghiệp Trung Quốc cùng bị điều tra (là 6,38%).
Thái Lan là quốc gia tiêu thụ nhiều thứ 2 cá tra Việt Nam tại châu Á: Số liệu của Hải quan Việt Nam cho thấy, nửa đầu tháng 2/2025, XK cá tra sang Thái Lan đạt hơn 3 triệu USD, tăng 280% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế XK cá tra sang thị trường này tính đến ngày 15/2/2025 đạt 9 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2025.
Trong tháng đầu tiên của năm 2025, phile cá tra đông lạnh vẫn là sản phẩm cá tra chủ lực Việt Nam XK sang Thái Lan. Giá trị XK các sản phẩm HS 0304 trong tháng 1/2025 sang “xứ sở Chùa Vàng” đạt gần 5 triệu USD, giảm 6% so với tháng 1/2024. Cũng trong tháng 1/2025, XK cá tra GTGT sang Thái Lan chứng kiến tăng trưởng âm 32% và chỉ đạt 748 nghìn USD. NK các sản phẩm đông lạnh khác (cắt khúc, nguyên con, xẻ bướm,…) cũng giảm 16%, chỉ đạt 991 nghìn USD.
Thái Lan tiếp tục là một trong những thị trường tăng trưởng ổn định, với mức tiêu thụ cá tra Việt Nam ngày càng mở rộng.
Ai Cập bỏ yêu cầu áp dụng chứng chỉ Halal đối với sữa và các sản phẩm từ sữa nhập khẩu: Tổng cục Dịch vụ Thú y (GOVS) thuộc Bộ Nông nghiệp và Cải tạo đất Ai Cập ngày 12/3/2025 đã gửi thông báo lên Ủy ban Hàng rào kỹ thuật trong Thương mại (TBT) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc loại bỏ sữa và các sản phẩm từ sữa trong danh mục các sản phẩm bắt buộc phải có chứng chỉ Halal khi nhập khẩu vào Ai Cập sau nhiều lần gia hạn thời gian áp dụng.
Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Ai Cập vào ngày 6/8/2023 đã công bố tiêu chuẩn ES 4249/2023 “Yêu cầu chung về thực phẩm Halal theo Hồi giáo Shariya” thay thế cho tiêu chuẩn ES 2429/2014 trước đây. Tiêu chuẩn này bao quát các yêu cầu chung đối với toàn bộ các giai đoạn trong quá trình sản xuất thực phẩm Halal theo luật Hồi giáo Shariya. Mặc dù tiêu chuẩn không bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa tuy nhiên kể từ năm 2021, GOVS vẫn dự định áp dụng chứng chỉ Halal đối với các sản phẩm này khi nhập khẩu vào Ai Cập và đã nhiều lần hoãn áp dụng.
Như vậy với thông báo mới nhất của GOVS, sữa và các sản phẩm từ sữa nhập khẩu vào Ai Cập từ nay sẽ không còn phải chịu rào cản về chứng chỉ Halal.
Chương trình thí điểm có tên là Dự án Hangang sẽ có sự tham gia của 100.000 người, những người có thể chuyển đổi tiền gửi ngân hàng của mình thành mã thông báo kỹ thuật số. CBDC là một loại tiền kỹ thuật số do BoK phát hành và quản lý, không giống như các loại tiền ảo hoạt động trên các mạng phi tập trung. Chương trình thử nghiệm kéo dài 3 tháng này nhằm mục đích đánh giá tính khả thi của một loại tiền kỹ thuật số được BoK hỗ trợ.
Những người tham gia thí điểm sẽ thanh toán bằng cách quét mã QR, tương tự như các nền tảng thanh toán di động hiện có. Nhưng thay vì rút tiền từ số dư ngân hàng truyền thống, các khoản thanh toán sẽ được xử lý thông qua token tiền gửi -một loại tiền kỹ thuật số dựa trên CBDC do BoK phát hành.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này