10:36 - 25/06/2021
Phú Quốc được chọn là nơi thí điểm mở cửa đón khách quốc tế
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chủ trì và cùng phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang và Bộ Y tế xây dựng kế hoạch và quy trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc.
Ba đơn vị trên sẽ có báo cáo trình Thủ tướng Phạm Minh Chính trong tháng 7 tới.
Cổng thông tin của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi bộ này, Bộ Y tế và tỉnh Kiên Giang về việc thực hiện Kết luận 07-KL/TW của Bộ Chính trị hôm 11/6 vừa qua. Theo đó, Bộ Chính trị đồng ý nghiên cứu thực hiện thí điểm “hộ chiếu vắc xin” với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Phú Quốc đang là niềm hy vọng của du lịch Việt Nam khi nơi này chưa bị dịch Covid-19 tàn phá.
Hồi tháng 2, Chủ tịch Vietravel Holdings Nguyễn Quốc Kỳ đã nói rằng hàng triệu người đang làm du lịch tại Việt Nam chỉ còn một “căn cứ” cuối cùng – đó là Phú Quốc. Ông nói dịch đã tấn công trực diện vào Hội An – Đà Nẵng vào cuối tháng 7 năm ngoái, sau đó là TP.HCM vào tháng 11 và sau đó là làn sóng dịch sát Tết Nguyên đán…
Vào thời điểm đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ đã phát biểu rằng: “… Ngành du lịch chỉ còn ‘căn cứ’ cuối cùng là hòn đảo Phú Quốc. Bây giờ tôi chỉ nguyện cầu, chúng ta sẽ giữ được Phú Quốc thật tốt. Vì nếu ngay cả hòn đảo này mà cũng bị Covid-19 công phá, thì e là toàn ngành du lịch sẽ hết chỗ để đi, hàng triệu lao động trong ngành này chưa biết sẽ ra sao…”.
Các hãng lữ hành Việt Nam nói các đối tác nước ngoài đang quan tâm đến kế hoạch mở cửa đón du khách của Việt Nam từ hôm 11/6 khi có tin Việt Nam sẽ nghiên cứu và thực hiện thí điểm hộ chiếu vắc xin, mà Phú Quốc có thể là nơi đầu tiên.
Ngành du lịch Việt Nam đang sốt ruột khi số doanh nghiệp lữ hành ngã như rạ, nhân viên và hướng dẫn viên du lịch bỏ nghề và chuyển nghề gần hết, các khách sạn trống không. Các bước đi lần mò để mở cửa của du lịch Thái Lan như mô hình “chiếc lồng vàng” hay “du khách đánh golf” đã được ngành du lịch Việt Nam theo dõi kỹ lưỡng.
Tuy vậy, các mô hình trước đây của xứ chùa vàng đã thất bại bởi giá quá đắt – có khi hơn 10 lần giá trước đại dịch – và cách ly du khách biệt lập trong những khách sạn, khu nghỉ dưỡng hay các sân golf sang trọng trong 14 ngày.
Nay, mô hình hộ chiếu vắc xin là khả quan và hiện thực nhất khi nhiều quốc gia khác trên thế giới như Mỹ, EU, Israel và Hàn Quốc đã tăng tốc chiến dịch tiêm chủng, mở cửa đón du khách hoặc cho phép người dân đã tiêm đi du lịch nước ngoài mà không bị cách ly y tế khi đi và lúc trở về.
Đảo Phuket của Thái Lan là nơi đầu tiên ở châu Á mở cửa đón du khách quốc tế đã tiêm vắc xin đầy đủ từ ngày 1/7 tới. Thái Lan sẽ thực hiện mở cửa dần, và dự kiến đến ngày 14/10, thủ đô Bangkok cũng sẽ mở cứa đón những chuyến bay thương mại định kỳ.
Kế hoạch đảm bảo nguồn cung ứng vắc xin của chính phủ Thái Lan là “bảo chứng” cho kế hoạch mở cửa hoàn toàn đất nước Thái Lan từ tháng 10 tới. Hôm 16/6, Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha tuyên bố rằng đã đạt được thỏa thuận mua 105,5 triệu liều vắc xin từ 6 hãng dược quốc tế. Ông cũng khẳng định rằng Thái Lan sẽ mở cửa hoàn toàn sau 120 ngày, tức ngày 14/10 sắp tới.
Trước đó, Thái Lan đã tiến hành chiến dịch tiêm chủng đại trà từ hôm 7/6 với nguồn vacine nhập và vắc xin AstraZeneca do hãng Siam Bioscience sản xuất nhượng quyền.
1/ Theo Reuters, tầng lớp thượng lưu ở Indonesia đang có trào lưu đăng ký du lịch ở Mỹ để nhanh chóng được tiêm vắc xin Covid-19. Công ty du lịch ATS Vacation ở Indonesia đang cung cấp tour du lịch kết hợp tiêm vắc xin Covid-19 cho du khách. Tới nay, hơn 100 người đã đặt tour du lịch này cho kỳ nghỉ tháng 6-11. Chi phí cho chuyến đi 8 ngày dao động 1.100-3.700 USD, tùy số lượng người trong đoàn. Là quốc gia đông dân thứ 4 trên thế giới và số ca mắc tăng nhanh, chính phủ Indonesia phải ưu tiên tiêm trước cho những vùng có tỷ lệ lây nhiễm cao. Do đó cơ hội được tiêm vắc xin đối với nhiều người còn ở khá xa. Theo số liệu của chính phủ Indonesia, chỉ 5% dân số (8,8 triệu người) ở nước này đã được tiêm vắc xin, trong khi mục tiêu của chính phủ là tiêm cho 181,5 triệu dân trong năm nay.
2/ Singapore cho phép nhập cảnh theo diện du lịch ngắn hạn với du khách từ Australia, Brunei, Trung Quốc, New Zealand… với điều kiện đảm bảo có thẻ thông hành hàng không (Air Travel Pass) và làm xét nghiệm sàng lọc PCR với Covid-19 khi đến (chi phí 148 USD). Tuy nhiên, hiện tại đảo quốc này đã tạm ngưng cấp Air Travel Pass cho du khách có đi qua Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc), Australia (tiểu bang Victoria) và Trung Quốc (tỉnh Quảng Đông), trong vòng 21 ngày trước khi tới Singapore. Hành khách cũng được yêu cầu phải đăng ký nhập cảnh trực tuyến từ 7 đến 30 ngày trước khi khởi hành. Được biết, Singapore đã áp dụng nghiêm ngặt các quy định về kiểm soát đại dịch. Mỗi cá nhân vi phạm quá trình kiểm dịch sẽ bị phạt số tiền lên đến 7.500 USD hoặc 6 tháng tù giam.
3/ Trong những tuần vừa qua, nhiều quốc gia châu Á – Thái Bình Dương đã tăng tốc việc triển khai chủng ngừa vắc xin Covid-19, thậm chí vượt cả tốc độ tiêm chủng tại Mỹ các quốc gia phương Tây khác. Theo thống kê mới nhất của Our World in Data, khoảng 1/5 người ở châu Á đã được tiêm một liều vaccein Covid-19, tăng gấp đôi kể từ đầu tháng 5. Gần 3/4 số ca tiêm chủng hàng ngày trên thế giới hiện được thực hiện ở châu Á, tăng so với khoảng nửa tuần trước. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng ở châu Á vẫn thấp hơn nhiều so với châu Âu (37%) và Bắc Mỹ (40%). Hiện tại tốc độ tiêm chủng tại phương Tây đã chậm lại, bởi nhu cầu ngày càng giảm. Những người hiện chưa tiêm chủng phần lớn thuộc nhóm hoài nghi vắc xin.
4/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,5 – 57,05 triệu đồng/lượng, tăng trở lại 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá mua vào – bán ra đang ở mức 550 ngàn đồng/lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.776,2 USD/ounce, giảm 2,6 USD, tương đương 0,15% so với chốt phiên trước.
5/ Trang Speedtest vừa đưa ra thống kê tốc độ download, upload trên mạng di động cũng như băng rộng cố định của các quốc gia trên thế giới trong tháng 5. Với Internet di động, tốc độ download tại Việt Nam trong tháng 5/2021 đạt 44,49 Mb/giây, tốc độ upload đạt 20,16 Mb/giây. So với tháng trước, tốc độ download tăng khoảng 16%, kéo theo thứ hạng của Việt Nam cao hơn 10 bậc trên bảng xếp hạng toàn cầu, lên vị trí 56. Hồi tháng 4/2020, tốc độ Internet di động tại Việt Nam xếp thứ 49 trên thế giới, đạt 34,80 Mb/giây, cao hơn mức trung bình toàn cầu. Đây là vị trí cao nhất Việt Nam đạt được trên bảng xếp hạng của Speedtest. Như vậy, sau hơn 1 năm qua, sự tăng trưởng tốc độ kết nối Internet di động của Việt Nam chậm hơn khá nhiều so với trung bình toàn cầu.
6/ Theo Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2021 đến nay, Đồng Nai đã thu hút được gần 80 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn gần 715 triệu USD. Trong khi đó, cả năm 2021, tỉnh chỉ đặt mục tiêu thu hút 700 triệu USD vốn FDI. Hầu hết các dự án được cấp phép thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, sử dụng ít lao động, sản xuất trên những dây chuyền máy móc hiện đại. Năm 2021, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới đối mặt nhiều khó khăn, căn cứ tình hình thực tế, tỉnh đặt mục tiêu thu hút FDI thấp hơn những năm trước. Tuy nhiên, vượt qua những rào cản về dịch bệnh, gần 6 tháng qua, hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài vẫn tăng vốn, mở rộng sản xuất, đăng ký dự án mới. Với tình hình thu hút FDI có những dấu hiệu khả quan, thì dự kiến cả năm 2021 tỉnh sẽ thu hút hơn 1 tỷ USD vốn FDI.
7/ Theo người phụ trách bộ phận đầu tư toàn cầu thuộc Cơ quan Đầu tư bang New South Wales (NSW), nhiều doanh nghiệp NSW đang nhìn thấy những cơ hội và tiềm năng kinh doanh tại thị trường Việt Nam, bày tỏ mong muốn tham gia thị trường này trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp (agritech), thực phẩm và đồ uống. Trong những năm qua, bang NSW đã tăng cường hợp tác với Việt Nam. Gần đây nhất, bang đã ký biên bản ghi nhớ với TP.HCM nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại và đầu tư giữa hai địa phương. Được biết, trong quý 1/2021, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Australia sang thị trường Việt Nam tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều khả năng Việt Nam sẽ trở thành thị trường xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp lớn thứ năm của Australia trong năm 2021, so với mức xếp hạng thứ tám hiện nay.
8/ Theo dữ liệu vận chuyển của công ty tư vấn nông nghiệp SovEcon, Nga đã xuất khẩu được tổng cộng 1,13 triệu tấn ngũ cốc chỉ trong hai tuần đầu tiên của tháng 6/2021, trong đó có tới 1,09 triệu tấn lúa mì (tháng 5 cả nước đã xuất khẩu 900.000 tấn lúa mì). Theo đó, lượng xuất khẩu ngũ cốc của Nga, chủ yếu là lúa mì trong nửa đầu tháng 6 này đã vượt số lượng của cả tháng 5 do các lợi thế từ dòng thuế luân chuyển. Được biết, Moscow đã đưa ra mức thuế thả nổi/luân chuyển thay cho mức thuế 50 euro/tấn trước đây. Biện pháp này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 2/6 với mức thuế khởi điểm là 28,10 USD/tấn và đến ngày 23 tháng 6, nó sẽ được tăng dần lên 38,10 USD/tấn. Chính sách mới này đã giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến động giá cả trên thị trường toàn cầu đối với ngành nông nghiệp Nga cũng như chỉ số giá tiêu dùng.
9/ Cổ phiếu của gã khổng lồ Internet Hàn Quốc Kakao đã tăng gấp đôi trong năm nay, đưa ông Kim Beom-su, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của Kakao, trở thành người giàu nhất nước này. Theo Forbes, tính đến ngày 23/6, cổ phiếu Kakao đã tăng khoảng 110%, giúp tài sản ròng của ông Kim tăng thêm 5,6 tỷ USD kể từ khi Forbes đưa ông này vào danh sách những người giàu nhất Hàn Quốc hồi tháng 5. Doanh nhân này hiện có tài sản ròng ước tính trị giá 16,2 tỷ USD, theo bảng xếp hạng tỷ phú theo thời gian thực của Forbes. Với mức tài sản cao hơn 3 tỷ USD, ông Kim đã vượt qua tỷ phú Seo Jung-jin, đồng sáng lập Celltrion, trở thành người giàu nhất Hàn Quốc. Ông Seo rớt xuống vị trí thứ 2. Kakao hiện là một trong những tập đoàn kinh doanh lớn nhất Hàn Quốc bên cạnh những tên tuổi lớn thuộc sở hữu của các gia đình chaebol như Samsung, Hyundai, SK và LG.
10/ Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, từ khách sạn đến các rạp chiếu phim đang tung ra hàng loạt chương trình giảm giá và khuyến mại chỉ dành riêng cho những khách hàng đã tiêm vắc xin phòng Covid-19. Chương trình tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầy tham vọng của chính phủ Hàn Quốc đang đi đúng lộ trình và đã đạt được một số mục tiêu đề ra sớm hơn dự kiến, với nhiều cơ sở kinh doanh và bán lẻ tích cực tham gia cuộc chiến chống lại đại dịch. Theo cho Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), kể từ khi bắt đầu khởi động chương trình tiêm chủng vào ngày 26/2, tính đến ngày 18/6, tổng cộng hơn 14,23 triệu người đã tiêm 1 liều vắc xin phòng Covid-19. Con số này chiếm khoảng 27,7% trong số 51,3 triệu dân Hàn Quốc.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này