10:15 - 08/01/2021
Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo và vùng phụ cận
Tình trạng khẩn cấp sẽ bắt đầu có hiệu lực từ giữa đêm 7/1 và kéo dài đến ngày 7/2 ở thủ đô Tokyo và ba hạt lân cận gồm Kanagawa, Saitama và Chiba.
Trong thông điệp của mình, Thủ tướng Yoshihide Suga đã yêu cầu người dân không tụ tập đông người và phải ở nhà vào buổi tối, nhân viên văn phòng làm việc từ xa, và các quán bar và nhà hàng ở Tokyo đóng cửa lúc 8 giờ tối.
Các chủ quán tuân thủ các giới hạn sẽ được nhận trợ cấp của chính quyền. Lần đầu tiên chính quyền sẽ thực hiện thông báo công khai tên của những quán vi phạm.
Tình trạng khẩn cấp này có thể mở rộng trên phạm vi toàn quốc và sẽ kéo dài sau ngày 7/2 nếu số ca nhiễm mới không suy giảm.
Lệnh khẩn cấp được đưa ra khi số ca nhiễm mới đã đạt con số kỷ lục 2.447 trong ngày 7/1, so với một tuần trước đó chỉ 1.000 ca. Số ca nhiễm mới trên cả nước đã vượt mốc 6.000 người hôm 6/1. Đà gia tăng hỏa tiễn này đã khiến cả Nhật Bản kinh sợ và khống chế dịch bệnh đã trở thành nguyên nhân làm sút giảm uy tín của nội các chính quyền ông Suga.
Làn sóng lây nhiễm mới bắt đầu từ tháng 11/2020 khi chính phủ bắt đầu chuyển từ trọng tâm phòng dịch sang hồi phục kinh tế. Chương trình Go To Travel với các ưu đãi du lịch và ăn uống thực hiện trong hai tháng đã khiến số ca nhiễm trung bình mỗi ngày tăng 5 lần so với trước đó. Toàn bộ các bệnh viện ở Tokyo đều quá tải. Tại một số bệnh viện, có đến 30% bệnh nhân đang điều trị không được cập nhật trên hệ thống dữ liệu bởi nhân viên y tế hoàn toàn kiệt sức và không đủ người.
Các giới hạn chế đi lại mới sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hồi phục kinh tế của Nhật Bản. Các nhà phân tích dự báo tỷ lệ tăng trưởng âm cho quý đầu năm mới 2021 ở nước này. Tình hình lây nhiễm cũng có thể gây trở ngại cho tương lai Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 – dự kiến sẽ khai mạc ngày 23/7/2021 sau đúng một năm bị dời lại vì dịch bệnh bùng phát.
1/ Giá vàng miếng SJC ở mức 56,40- 56,90 triệu đồng/lượng, quay đầu giảm 450.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 500.000 đồng/lượng chiều bán ra. Chênh lệch giá mua vào – bán ra ở mức 500 ngàn đồng/lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng trên sàn Kitco hiện đang được giao dịch ở mức 1915,4 USD/ounce, giảm 35,1 USD, tương đương 1,8% so với chốt phiên trước.
2/ Sau thời gian rớt giá, hiện nay, giá tôm hùm tại các vùng nuôi trọng điểm ở tỉnh Khánh Hòa đã tăng trở lại, đạt mức từ 1,2 triệu đồng/kg trở lên đối với tôm hùm xanh (loại 2 – 3 con/kg); 2,5 triệu đồng/kg trở lên đối với tôm hùm sao. Theo nhiều hộ nuôi, giá tôm hùm tăng chủ yếu do thị trường tiêu thụ nội địa trong những ngày qua hút hàng. Trong khi đó, sức tiêu thụ đối với thị trường xuất khẩu hầu như vẫn đứng im. Trước đó, phần lớn thời gian trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thị trường xuất khẩu tôm hùm chững lại, giá tôm hùm xanh liên tục lao dốc. Như vậy, giá tôm hiện nay đã tăng gấp 2 – 3 lần so với thời điểm lao dốc. Tuy nhiên, giá tôm thu mua cao nhưng nguồn tôm còn lại ít, khan hiếm hàng hơn mọi năm do người nuôi đã xuất bán để tránh những cơn bão hồi cuối năm 2020.
3/ Cầu Phước Lộc thuộc huyện Nhà Bè thông xe hôm 7/1 sau tám năm thi công. Đây là dự án giao thông trọng điểm nhằm cải thiện tình trạng giao thông, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông khu vực phía Nam TP.HCM. Dự án có tổng mức đầu tư 405 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng là 230 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật là 119 tỷ đồng và chi phí khác là 56 tỷ đồng. Cầu Phước Lộc mới sẽ thay thế cho cây cầu hiện hữu đang xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm qua.
4/ Nhà mạng Viettel sẽ bắt đầu trình làng một loạt các dịch vụ kỹ thuật số từ điện toán đám mây đến các sản phẩm bảo vệ mạng, một phần trong quá trình đổi mới thương hiệu mạnh mẽ của mình. Trong khi công nghệ viễn thông như 5G vẫn là ưu tiên hàng đầu của Viettel, nhưng hãng cũng sẽ mở rộng sang các mảng khác gồm: hạ tầng kỹ thuật số, giải pháp, nội dung, tài chính, an ninh mạng và nghiên cứu phát triển. Viettel hiện nắm giữ 41% lượng thuê bao di động của Việt Nam, vượt xa hai doanh nghiệp nhà nước khác là Mobifone và Vinaphone.
5/ Theo báo cáo mới nhất của 21st Century Business Herald, Tencent đang đứng đầu danh sách top 500 công ty niêm yết của Trung Quốc, tính theo giá trị thị trường năm 2020. Giá trị của Tencent đạt 4.550 tỷ nhân dân tệ (682,5 tỷ USD). Đứng thứ 2 trong danh sách là Alibaba, với giá trị thị trường 4.200 tỷ nhân dân tệ (630 tỷ USD). Ở vị trí thứ 3, hãng chip bán dẫn TSMC đã vươn lên thay thế Ngân hàng Công Thương Trung Quốc. Trong số 500 công ty niêm yết hàng đầu của Trung Quốc, 56 công ty thuộc ngành dược phẩm và sinh học, 50 công ty làm về công nghiệp điện tử và 40 công ty trong ngành CNTT. Thủ đô Bắc Kinh vẫn là trung tâm, với 96 công ty trong danh sách đóng trụ sở, với tổng giá trị thị trường là 23.210 tỷ nhân dân tệ (3.480 tỷ USD).
6/ Liên minh châu Âu đã cấp phép sử dụng vắc xin ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Moderna, Mỹ, ngay sau khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu thông qua khuyến nghị phê duyệt vắc xin này. Như vậy, đây là loại vắc xin ngừa Covid-19 thứ 2 được châu Âu phê duyệt đưa vào sử dụng sau vắc xin do hai công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức liên kết sản xuất. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, châu Âu đã ký nhiều thỏa thuận đặt mua khoảng 2 tỷ liều vắc xin tiềm năng, trong đó có 160 triệu liều vắc xin Moderna. Trước châu Âu, thì Mỹ, Canada và Israel cũng đã phê duyệt vắc xin ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Moderna.
7/ Tại cuộc đấu giá năm nay tại chợ cá Toyosu ở Tokyo, con cá ngừ vây xanh có giá trị cao nhất chỉ là 20,84 triệu yen, tương đương với 202.000 USD, chỉ bằng 10% so với giá những năm trước. Trong khi đó, tại phiên đấu giá cá ngừ truyền thống nhân dịp đầu năm mới 2019, một con cá ngừ vây xanh nặng 278 kg đã đạt mức giá kỷ lục 333,6 triệu yen, tương đương 3,1 triệu USD. Theo thông lệ các phiên đấu giá cá ngừ trước đây ở Nhật Bản, các khách hàng là chủ các nhà hàng, khách sạn thường sẽ rất bạo chi rút hầu bao và coi đó như là một chiêu tiếp thị. Nhưng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát hồi năm ngoái thì mọi sự trở nên rón rén vì chuỗi kinh doanh đã bị ảnh hưởng nặng nề.
8/ Nhật Bản quyết định tạm dừng trên nguyên tắc việc cấp vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) đối với các nhà máy nhiệt điện chạy than mới ở nước ngoài. Theo đó, Chính phủ nước này sẽ không tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ vốn ODA, trong đó có có các khoản vay bằng đồng yen, cho các dự án nhiệt điện chạy than từ các quốc gia khác. Theo nhật báo Yomiuri của Nhật Bản, động thái này là nhằm đóng góp cho nỗ lực giảm phát thải khí carbon (CO2) của cộng đồng quốc tế thông qua việc chuyển vốn ODA dành cho các dự án nhiệt điện chạy than sang hỗ trợ cho các dự án phát triển năng lượng tái sinh thân thiện với môi trường. Trong chiến lược phát triển hạ tầng cơ sở ở nước ngoài của Nhật Bản, chính phủ nước này đã đặt mục tiêu tăng số đơn hàng xuất khẩu hạ tầng từ mức 25.000 tỷ yen năm 2018 lên 34.000 tỷ yen vào năm 2025, theo đó Nhật Bản sẽ sử dụng vốn ODA như một công cụ khuyến khích việc mở rộng xuất khẩu các công nghệ giảm phát thải khí CO2 sang các quốc gia châu Á và châu Phi.
9/ Là người kiếm được nhiều tiền nhất trong năm 2020, bước sang năm 2021, tỷ phú Elon Musk tiếp tục chứng kiến tài sản của mình nảy nở từng ngày. Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, cổ phiếu hãng xe điện Tesla tiếp tục tăng 2,8% lên mức 755,98 USD/cổ phiếu, kéo theo khối tài sản CEO Elon Musk tăng thêm 4,7 tỷ USD. Theo bảng xếp hạng Bloomberg Billionaires Index, hiện giá trị tài sản ròng của Elon Musk là 181 tỷ USD, trong khi khối tài sản của nhà sáng lập Amazon là 184 tỷ USD. Có nghĩa là chỉ cần có thêm hơn 3 tỷ USD là Elon Musk có thể chiếm ngôi tỷ phú giàu nhất hành tinh của Jeff Bezos. Trong một báo cáo, nhà phân tích Adam Jonas của Morgan Stanley dự báo rằng Tesla đang trên đà chuyển đổi từ một công ty chủ yếu sản xuất xe điện thành một doanh nghiệp với nhiều nguồn doanh thu từ các sản phẩm như phần mềm và dịch vụ.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này