11:12 - 03/04/2021
Ngành may VN và 8 nước khác đòi các hãng bán lẻ quốc tế thanh toán đúng hạn
Mười ba hiệp hội ngành may ở chín quốc gia – gồm Việt Nam, Bangladesh, Campuchia, Indonesia, Myanmar, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Morocco và Trung Quốc – đang soạn thảo văn bản yêu cầu các thương hiệu thời trang quốc tế thanh toán trong thời hạn tối đa là 90 ngày.
Đồng thời, các hãng bán lẻ không được kỳ kèo giảm giá hơn nữa sau khi đã đặt hàng – theo hãng tin Reuters.
Đang được kiện toàn và dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng 4/2021, văn bản này là nỗ lực hợp tác của Star Network (được Cơ quan phát triển quốc tế Đức GIZ tài trợ) và Liên đoàn hàng may mặc quốc tế (IAF).
“Rất dễ nhận thấy là các hãng gia công may mặc đã bị tổn thương nặng hơn và họ phải có vai trò lớn hơn trong việc định ra các tiêu chuẩn mua hàng”, tuyên bố chung của hai cơ quan trên viết.
Mặc dù văn bản không có tính pháp lý bắt buộc các nhãn hàng thực hiện, nhưng mục tiêu là khuyến khích các nhãn hàng không vượt quá lằn ranh lạm dụng sức mạnh của đơn đặt hàng mà làm tổn hại đến nhà sản xuất. “Đây là điều dễ thấy và có thể tránh được”, tuyên bố chung nhấn mạnh.
Giai đoạn tiếp theo của sáng kiến này là tìm cách thực thi các điều khoản, bao gồm cơ chế trọng tài quốc tế dành cho các hãng gia công may mặc báo động về sự bất công.
“Chúng tôi thường tin tưởng khách hàng của mình một cách mù quáng. Nếu họ nói họ cần mua 100.000 mét vải và họ sẽ gửi đơn hàng trong ba tuần, chúng tôi thường sẽ đáp ứng và bắt tay sản xuất ngay. Nay, niềm tin này đã không còn nữa”, Miran Ali, người phát ngôn của Star Network, phát biểu với Reuters.
Dịch Covid-19 đã khiến nhiều hãng bán lẻ thua lỗ và họ đã hủy hoặc tạm dừng các đơn hàng, khiến các hãng gia công may mặc chịu tổn thất lớn. Các nhà bán lẻ nổi tiếng thế giới như Arcadia, Gap, Kohl’s và Primark đã hủy và đóng băng các dơn hàng trị giá đến 3,7 tỷ USD đối với các xưởng may ở Bangladesh trong hai tháng 3 và 4/2020. Tuy các hãng bán lẻ như Primark, H&M, Inditex và Gap sau đó đã cam kết bồi thường toàn bộ các thiệt hại do các đơn hàng bị hủy, nhưng họ vẫn còn nợ khoảng 18-40 tỷ USD tiền gia công của các nhà cung ứng trên toàn cầu – theo số liệu Reuters thu thập được.
Do phong tỏa và các cửa hiệu phải đóng cửa nhiều tháng, các hãng bán lẻ toàn cầu đã sụt giảm 1.200 tỷ USD doanh số trong năm 2020, giảm 3,9% so với năm 2019 – theo hãng nghiên cứu Forrester. Tuy có gỡ gạc phần nào qua việc bán hàng trên mạng, nhưng lượng hàng tồn kho khá lớn. Vì thế, các hãng này bèn ép các nhà cung ứng giảm giá để họ có thể bán hết lượng hàng tồn kho.
Nhu cầu mua sắm đã bắt đầu hồi phục. Các hãng bán lẻ nay đặt hàng với thời gian sít sao và thời hạn thanh toán dài hơn so với trước dịch.
Các nhà cung ứng nay muốn thời hạn thanh toán không được quá 90 ngày, các khoản thanh toán chậm phải chịu lãi suất và tiền phạt, đồng thời không giảm giá thêm sau khi hợp đồng đã ký.
1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 54,75 – 55,15 triệu đồng/lượng, tăng tiếp 350.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, chênh lệch giá hai đầu vẫn giữ 400.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.730,3 USD/ounce, tăng 21,5 USD/ounce, tương đương 1,26% so với chốt phiên trước.
2/ Bộ Công Thương nhận được hình ảnh văn bản của Hải quan Thâm Quyến thông báo về việc cấm nhập khẩu ớt của Việt Nam bắt đầu từ tháng 4/2021. Ngay sau đó, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã khẩn trương làm việc, xác minh thông tin với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu). Theo đó, Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu khẳng định hình ảnh văn bản này là giả mạo, không phải do phía Hải quan Trung Quốc ban hành. Ngoài ra, nội dung trong hình ảnh “văn bản” trên có nhiều lỗi về thể thức và ngôn ngữ, nhận định sơ bộ có dấu hiệu chỉnh sửa hình ảnh.
3/ Theo Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), từ ngày 1/4, hệ thống siêu thị Co.opmart giảm giá bán đến 50% đối với 2.500 sản phẩm thiết yếu. Đây là một trong những sự kiện kỷ niệm 25 năm thành lập hệ thống siêu thị Co.opmart (1996 – 2021) nhằm lan tỏa bản sắc tốt đẹp vì cộng đồng của mô hình HTX và tri ân người tiêu dùng trên cả nước. Các nhóm hàng giảm giá bao gồm hàng thực phẩm, hóa phẩm, đồ dùng, may mặc và dụng cụ nhà bếp. Theo kế hoạch, đến năm 2025, Saigon Co.op phấn đấu phát triển 2.000 điểm bán, đưa vào hoạt động mô hình trung tâm phân phối mới theo hướng hiện đại, góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng, phấn đấu dẫn đầu thị trường về chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm.
4/ Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường GfK, Oppo Reno5 được ghi nhận là smartphone dẫn đầu thị trường nội địa, xét trên mọi phân khúc giá trong ba tháng đầu năm 2021. Kể từ khi mở bán vào ngày 10/1 đến ngày 21/3, Oppo Reno5 chiếm gần đến 50% lượng hàng bán ra của phân khúc giá tầm trung (7-10 triệu đồng). Theo đó, sau 11 tuần mở bán trên thị trường (từ ngày 10/1-21/3), Oppo Reno5 bán được khoảng 170.000 máy, chiếm 44% của phân khúc tầm trung. Oppo Reno5 có thể xem là “hiện tượng hiếm thấy” vì vẫn tạo được sức hút lớn đối với người dùng, dù thị trường suy giảm do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
5/ Từ ngày 1/4, Vietjet khai thác trở lại các đường bay quốc tế thường lệ đến Bangkok, Tokyo, Seoul và Đài Bắc. Các chuyến bay từ Việt Nam sẽ chỉ phục vụ hành khách đáp ứng các quy định nhập cảnh, là người Việt Nam đi học tập, lao động, thăm thân, người nước ngoài từ Việt Nam về nước. Với vai trò là thành viên của IATA, Vietjet đã tham gia xây dựng với các nhà chức trách Việt nam và quốc tế để triển khai giải pháp IATA Travel Pass – “hộ chiếu vắc xin” sớm đảm bảo vận chuyển hành khách an toàn.
6/ Sáng 2/4, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng về việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên. Đây là khu khu kinh tế cửa khẩu duy nhất của tỉnh Kiên Giang, được thành lập sau 12 năm thực hiện các chính sách thí điểm. Khu kinh tế này được kỳ vọng tạo ra sức thu hút đầu tư mạnh mẽ, không chỉ đối với các nhà đầu tư trong nước mà cả với các nhà đầu tư nước ngoài, từ đó sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của địa phương. Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên có diện tích 1.600 ha, nằm trên địa phận 5 phường Pháo Đài, Đông Hồ, Tô Châu, Bình San, Mỹ Đức. Khu kinh tế có 7 khu chính gồm khu phi thuế quan, khu cửa khẩu quốc tế, khu du lịch, khu hành chính, khu dân cư, khu công nghiệp và khu các chức năng khác.
7/ Theo Bloomberg, Pakistan đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm kéo dài 19 tháng qua nhằm vào các mặt hàng nhập khẩu từ Ấn Độ, gồm đường và bông. Đây được xem là bước đi nhằm khôi phục hoạt động giao thương vốn bị đình trệ giữa hai nước láng giềng này. Theo đó, Hội đồng Điều phối kinh tế Pakistan đã cho phép khu vực tư nhân nhập khẩu 500 tấn đường trắng, những mặt hàng mà Pakistan đang phải nỗ lực kiềm chế đà tăng giá trong nước. Hiện các doanh nghiệp Pakistan đã bắt đầu tìm hiểu việc mua đường và bông của Ấn Độ, vốn được chào bán với mức giá thấp hơn khoảng 15-20% so với nguồn cung từ các nước khác. Tính đến năm 2019, Pakistan là một trong những quốc gia nhập khẩu bông của Ấn Độ hàng đầu thế giới.
8/ Trong vài tháng gần đây, tốc độ tăng giá của các loại bất động sản, từ căn hộ chung cư cho đến nhà ở của nhà nước hay các căn chung cư siêu cao cấp ở Singapore đã tăng vọt. Theo số liệu từ Cơ quan quản lý nhà ở Singapore, giá nhà ở tư nhân tại Singapore tăng 2,9% trong khoảng thời gian 3 tháng vừa qua, thì đây là mức tăng cao nhất của giá nhà tính từ quý 2/2018. Giá bất động sản tại Singapore đã hồi phục nhanh chóng sau khi quy định phong tỏa được gỡ bỏ vào tháng 6/2020 và lãi suất thấp đã khiến nhiều người bỏ tiền ra mua nhà. Tâm lý mua gom bất động sản của người Singapore hiện đang khiến nhiều chuyên gia dự báo về khả năng chính phủ Singapore có thể sẽ đưa ra nhiều biện pháp hạn chế mới.
9/ Sau nhiều ngày đàm phán, đại sứ các nước Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí điều chỉnh hệ thống phân bổ vắc xin giữa các nước thành viên. Theo đó, 5 nước đang gặp khó khăn nhất trong việc ứng phó dịch bệnh sẽ nhận được 2,85 triệu trong tổng số 10 triệu liều vắc xin của Pfizer/BioNTech mà khối này dự kiến tiếp nhận trong quý II/2021. Năm nước này là Bulgaria, Croatia, Estonia, Latvia and Slovakia. Được biết, 10 triệu liều vắc xin này nằm trong hợp đồng đặt hàng 100 triệu liều vắc xin giữa EU và Pfizer/BioNTech, dự kiến bàn giao trong quý 3/2021. Chủ tịch EU Ursula von der Leyen khẳng định 27 nước thành viên vẫn trên đà đạt được mục tiêu tiêm chủng 70% số người trưởng thành vào cuối mùa hè 2021.
10/ Abbott Laboratories, công ty chuyên cung cấp dịch vụ y tế và các thiết bị chăm sóc sức khỏe đa quốc gia của Mỹ, cho biết các cơ quan quản lý của Mỹ đã cấp phép sử dụng bộ xét nghiệm kháng thể nhanh tại nhà dùng cho những người không có triệu chứng mà không cần chỉ định của bác sĩ. Quyết định này sẽ giúp các trường học và nơi làm việc có thể dễ dàng tiếp cận các bộ xét nghiệm có giá thành rẻ và đa dạng để sàng lọc thường xuyên. Abbott Laboratories dự kiến sẽ bắt đầu giao các bộ xét nghiệm BinaxNOW cho các cơ sở bán lẻ trong vài tuần tới. Đây là một trong những bộ xét nghiệm phổ biến nhất tại Mỹ và có thể cho kết quả sau khoảng 15 phút. Abbott đang cân nhắc giá bán lẻ bộ xét nghiệm trên, dù công ty này dự định giao cho các nhà phân phối với mức giá dưới 10 USD/bộ.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường 24/7: Ấn Độ áp đặt thêm các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo; Pháp chi tiền để nông dân huỷ rượu, phá nho
Gạo Việt xuất khẩu ‘trúng’ giá ở châu Á
Các nhà nghiên cứu Nhật Bản phát triển một loại drone ‘ăn được’
Kinh tế Myanmar tăng trưởng âm 18% trong năm 2021
Kim ngạch xuất khẩu 11 loại trái cây giá trị cao năm 2021
Tags:ngành may mặc
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này