09:47 - 31/12/2020
Đông Nam Á cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trong năm 2021
Triển vọng hồi phục kinh tế của khu vực Đông Nam Á trong năm mới tương đối không bi quan so với các khu vực khác trên thế giới.
Dựa trên các dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hãng phân tích Nikkei nói rằng nền kinh tế Việt Nam, Indonesia và Malaysia trong năm 2021 sẽ hoàn toàn hồi phục và đạt được mức tốt hơn so với năm 2019. Trong khi đó, Singapore, Thái Lan và Philippines không hồi phục 100% như trước thời điểm dịch bùng phát.
Bốn nền kinh tế còn lại – Myanmar, Lào, Campuchia và Brunei – không có sức bật đáng kể trong dịch bệnh hay bị chìm trong tình trạng tăng vọt lây nhiễm mà Myanmar đang phải đương đầu.
“Đông Nam Á phải chuẩn bị cho khả năng tồi tệ nhất trong năm 2021. Khu vực này có thể tăng trưởng tốt nếu tình hình không xấu đi”, ông Bilahari Kausikan, nguyên Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Singapore bình luận trên Nikkei Asia.
Nhà ngoại giao kỳ cựu này cho rằng Đông Nam Á đã kiểm soát dịch tốt hơn bất cứ khu vực nào trên thế giới, bên cạnh khu Đông Á. Nhưng tốt hơn không phải là tốt hay hoàn hảo, và dịch Covid-19 làm lộ ra những thất bại trong quản lý nhà nước ở Indonesia, Malaysia và Philippines. Các loại vắc xin được tung ra vào những ngày cuối năm. “Nhưng vắc xin không thể là thuốc trị bá bệnh cho quản lý nhà nước yếu kém. Các quốc gia này sẽ phải chật vật để tránh tình trạng bị dịch nhấn chìm”, ông Kausikan nhận định.
Các đợt bùng phát dịch mới có thể xảy ra. Thiệt hại kinh tế sẽ gia tăng và cái giá phải trả cuối cùng chưa thể lượng giá được.
Dịch bệnh thúc đẩy quá trình số hóa. Các nền kinh tế tiên tiến hơn như Singapore có bước tiến dài hơn so với các đối thủ khác trong khu vực và cả trên thế giới. Các nước Đông Nam Á khác có thể được hưởng lợi từ xu hướng di dời hãng xưởng ra khỏi Trung Quốc.
“Nhưng đó chỉ là khả năng có thể mà thôi, không phải là sự chắc chắn. Phần lớn sẽ phụ thuộc vào khả năng của các chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, xóa đi những bất cập cơ sở hạ tầng cứng và mềm, và nuôi dưỡng hệ sinh thái các ngành công nghiệp hỗ trợ. Cùng lúc đó, sự bất định của các chuỗi cung ứng toàn cầu khiến mọi người nghi ngờ về giai đoạn kế tiếp của tham vọng hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN”, ông nói.
Chìa khóa thành công của các quốc gia và khu vực nằm trong tay chính phủ các nước. Họ phải từ bỏ chủ nghĩa quốc gia kinh tế vốn đã trở nên mạnh mẽ hơn ở từng quốc gia thành viên ASEAN bởi dịch bệnh gia tăng áp lực. “Cần phải có nỗ lực đáng kể để ngăn tình trạng này ảnh hưởng đến quan hệ giữa các nước Đông Nam Á. Triển vọng này sẽ không mấy lạc quan”, nhà ngoại giao kỳ cựu của Singapore phân tích.
Trong khi tình hình chính trị ở Việt Nam và Lào ổn định, các nước Indonesia, Malaysia và Thái Lan đối diện với tình trạng bất ổn chính trị trầm trọng. Triển vọng của Philippines và Myanmar luôn không rõ ràng, nhất là khi Myanmar chuẩn bị bầu cử tổng thống trong năm 2022. Thậm chí ở Singapore, một thế hệ các nhà lãnh đạo mới chắc chắc sẽ có “tinh thần bài ngoại” trong bối cảnh chuyển giao quyền lực chính trị có vẻ đang bị trì hoãn.
Cuối cùng, chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ có thể đề cập nhiều hơn về Đông Nam Á. Nước Mỹ sẽ bớt “nói xấu” về các hiệp định thương mại đa phương như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). “Nhưng nội các của ông Biden sẽ tập trung vào xây dựng quan hệ đồng minh và họ sẽ xếp ASEAN vào ưu tiên hạng hai trừ phi khối này có thể tập trung ý chí chính trị và hành động tập thể để ủng hộ các mục tiêu của Mỹ”, ông Kausiken viết.
Ông cũng nói rằng Chủ tịch luân phiên Brunei trong năm tới sẽ là “đôi tay lành nghề và an toàn”. Tuy nhiên, Brunei sẽ khó đưa ASEAN tiến về phía trước.
Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ ưu tiên tập trung cho y tế nội địa và thiệt hại kinh tế do dịch gây ra. Bên cạnh đó, chính sách ngoại giao của ông Biden sẽ giống như chính phủ tiền nhiệm của ông Donald Trump, tức là sẽ ưu tiên cho những người bạn lớn và các nước đồng minh. “Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục được quan tâm nhiều hơn ASEAN”, ông khẳng định.
1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 55,55- 56,05 triệu đồng/lượng, tăng 350.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng trên sàn Kitco đang được giao dịch ở mức 1883,5 USD/ounce, tăng10,6 USD, tương đương 0,57% so với chốt phiên trước. Giá vàng đã gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phê duyệt gói kích thích trị giá 2.300 tỷ USD.
2/ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Anh (UKVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực từ 23 giờ ngày 31/12/2020, tức hai ngày sau lễ ký kết tại London. Hiệp định UKVFTA được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh. Về cơ bản, các nội dung thuộc diện điều chỉnh của Hiệp định UKVFTA cũng tương tự như Hiệp định EVFTA. Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, hai bên đang gấp rút hoàn thành các thủ tục trong nước phù hợp với quy định của pháp luật mỗi bên, đảm bảo việc có thể thực hiện ngay Hiệp định. Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu.
3/ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Công ty Chuyển tiền Quốc tế MoneyGram International, Inc. (MoneyGram) đã chính thức ký kết hợp đồng hợp tác trong 5 năm tới. Với hợp đồng mới này, dịch vụ chuyển và nhận tiền quốc tế MoneyGram sẽ tiếp tục được cung cấp tại gần 600 điểm giao dịch của Vietcombank trên toàn quốc. Năm 2005, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam hợp tác với MoneyGram, công ty cung cấp dịch vụ chuyển và nhận tiền nhanh hàng đầu thế giới, bằng một hợp đồng có thời hạn 3 năm. Việc hợp tác giữa Vietcombank và MoneyGram đã giúp hàng triệu khách hàng bên ngoài lãnh thổ có thể dễ dàng gửi tiền về Việt Nam thông qua hơn 350.000 đại lý tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ của MoneyGram trên toàn thế giới.
4/ Vốn chỉ giúp mua hàng ở siêu thị, nay dịch vụ GrabMart sẽ rộng sang đi chợ truyền thống. Dịch vụ này sẽ giúp người dùng có thêm lựa chọn mua các mặt hàng thiết yếu như rau, củ, quả, thịt, cá, sữa, hoa tươi… từ các sạp hàng tại chợ truyền thống và nhận trong vòng một giờ. Trong khi đó, việc mở rộng dịch vụ cũng giúp tài xế có thêm cơ hội nâng thu nhập. Các tiểu thương mở sạp online sẽ được thông báo đơn hàng trên ứng dụng khi có người đặt mua. Họ sẽ chuẩn bị đơn để chờ tài xế đến lấy. Grab dự kiến, khi mỗi chợ có từ 20 sạp tham gia sẽ có đội ngũ nhân viên gom đơn giúp cho tài xế, với những khách hàng đặt đơn cùng lúc nhiều sạp.
5/ FPT Software đã chính thức đưa vào hoạt động văn phòng mới tại Ấn Độ, gia nhập hệ thống hơn 50 văn phòng của công ty trên toàn cầu tại châu Á Thái Bình Dương, châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông. Theo Business Wire India, công ty sẽ xây dựng chi nhánh này thành một trung tâm dịch vụ quốc tế (GDC) trong vòng ba năm và đây sẽ là trung tâm GDC thứ 23 của FPT Software trên thế giới. Chi nhánh mới này, FPT India, đặt trụ sở tại thành phố miền Nam Hyderabad, một trong những điểm đến gia công phần mềm hàng đầu của Ấn Độ và cũng là nơi làm việc của hơn 600.000 nhân viên công nghệ thông tin (CNTT). Kể từ năm 2019, FPT Software đã chuyển chiến lược cốt lõi và cung cấp dịch vụ sang chuyển đổi kỹ thuật số.
6/ Trong danh sách 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong năm 2020, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 9 tỷ USD, chiếm 31,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,9 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,46 tỷ USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông… Mặc dù vẫn xếp ở vị trí số 2, số 3 đầu tư vào Việt Nam tuy nhiên nhìn ở bức tranh tổng thể thì vốn đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam đã quay đầu giảm mạnh. Nếu như năm 2019, tổng vốn Trung Quốc vào Việt Nam đạt 4,1 tỷ USD thì năm 2020 giảm một nửa, chỉ còn hơn 2 tỷ USD.
7/ Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua thỏa thuận thương mại hậu Brexit giữa EU và Anh, mở đường để thỏa thuận có hiệu lực sơ bộ từ ngày 1/1/2021. Việc 27 quốc gia thành viên EU phê chuẩn Hiệp định hậu Brexit giữa Anh và EU là một thủ tục nhằm hợp thức hóa thỏa thuận sau khi London và Brussels ký kết hồi tuần trước. Đây là bước cần thiết nhằm khởi động thỏa thuận sơ bộ từ ngày 1/1/2021 tới đây. Theo kế hoạch, Nghị viện EU sẽ phê chuẩn Hiệp định này vào cuối tháng 2/2021. Thỏa thuận giữa Anh và EU sẽ giúp các doanh nghiệp hai bên có quyền tiếp cận các thị trường của nhau thuận lợi hơn so với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đảm bảo rằng hàng hóa mua bán giữa hai bên không phải đối mặt với hạn ngạch và thuế quan. Tuy nhiên, dù có được ưu đãi, Anh sẽ không được hưởng các quyền như khi là thành viên của thị trường chung EU.
Cũng lúc, Anh cũng ký kết một thỏa thuận thương mại trị giá 18,6 tỷ bảng Anh (tương đương 25 tỷ USD) với Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó đặt nền tảng cho một thỏa thuận hậu Brexit toàn diện hơn. Theo thỏa thuận này, thuế quan ưu đãi sẽ được duy trì đối với 7.600 doanh nghiệp Anh xuất khẩu hàng hóa sang Thổ Nhĩ Kỳ, bảo vệ chuỗi cung ứng đối với các nhà sản xuất xe hơi có trụ sở tại Anh.
8/ Tài sản ròng của tỷ phú Jack Ma đã giảm 12 tỷ USD so với thời điểm cuối tháng 10/2020 khi Trung Quốc tăng cường giám sát đế chế kinh doanh của ông và những “ông lớn” công nghệ khác. Khối tài sản ròng của ông, thường gắn liền với sự nổi lên như vũ bão của lĩnh vực internet Trung Quốc – đã đạt mức cao nhất 61,7 tỷ USD trong năm nay và dường như đã sẵn sàng giành lại ngôi vị người giàu nhất châu Á. Tuy nhiên kể từ khi bị giám sát, thì tài sản của Jack Ma đã bốc hơi mạnh, kéo vị trí của ông xuống thứ 25 trong danh sách 500 người giàu nhất thế giới của Bloomberg Billionaires Index. Việc Trung Quốc tăng cường giám sát chặt chẽ đối với các hoạt động mua bán và sáp nhập có thể tạo thêm sự không chắc chắn cho sự phát triển của những gã khổng lồ internet của nước này. Trọng tâm trong những năm tới của chính phủ Trung Quốc là tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực chống độc quyền và ngăn chặn việc mở rộng vốn một cách mất trật tự.
9/ Tân Bộ trưởng Y tế của Indonesia, ông Budi Gunadi Sadikin cho biết chính phủ nước này đang hoàn tất các thỏa thuận với nhà sản xuất vắc xin Pfizer của Mỹ và AstraZeneca của Anh nhằm đảm bảo đủ nguồn cung cho chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19 vào năm sau. Bộ trưởng Budi cho biết một khi các thỏa thuận này được ký kết, Indonesia sẽ có số lượng liều vắc xin tối thiểu cần thiết để có thể đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. Tính đến nay, chính phủ Indonesia đã nhận được bảo đảm cung ứng 125 triệu liều vắc xin cho Covid-19 từ công ty Sinovac của Trung Quốc và 130 triệu liều khác từ công ty Novavax có trụ sở tại Mỹ.
10/ Các ngân hàng đầu tư trên toàn thế giới đã thu mức phí kỷ lục 124,5 tỷ USD trong năm nay khi các công ty đua nhau huy động tiền mặt để tồn tại trong đại dịch – theo Financial Times. Theo nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv, số tiền khổng lồ này ập đến khi các bên cho vay kiếm được mức phí cao do việc bảo lãnh các khoản nợ và cổ phần cho các khách hàng như tập đoàn hàng không vũ trụ Boeing, trang web cho thuê tài sản Airbnb và tập đoàn viễn thông SoftBank.
Nhà phân tích Jason Goldberg tại Barclays cho biết: Đây là một “năm rất hiệu quả cho việc bảo lãnh cả nợ và vốn chủ sở hữu”. “Năm nay, cú hích xuất hiện khi các công ty tìm cách tiếp cận thị trường vốn để củng cố bảng cân đối kế toán khi đối mặt với sự không chắc chắn liên quan đến đại dịch”.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này