10:12 - 20/07/2021
Đài Loan phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc xin nội địa đầu tiên
Vắc xin ngừa Covid-19 của hãng dược Medigen Vaccine Biologics đã được chính quyền Đài Loan phê duyệt sử dụng khẩn cấp hôm 19/7 – trang Taiwan News đưa tin.
Medigen có thể bắt đầu sản xuất từ tháng 8 tới theo số lượng và thời gian giao hàng đã cam kết với Bộ Y tế và Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Đài Loan. Trong cuộc họp báo trực tuyến trước đó, CEO Charles Chen của Medigen nói rằng hãng có thể sản xuất 10 triệu liều vắc xin vào cuối năm 2021 này.
Tuy vậy, Medigen sẽ gặp một số khó khăn. Hãng này cho biết trở ngại lớn nhất của họ là tình trạng thiếu nguyên liệu thô để bào chế vắc xin do nhu cầu khổng lồ của ngành dược thế giới hiện nay. Điều này khiến giá nguyên liệu thô gia tăng, ảnh hưởng đến giá thành của vắc xin.
Nhóm 21 chuyên gia của Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Đài Loan đã kết luận rằng mức độ kháng thể của vắc xin trong nước, khi so sánh cùng vắc xin AstraZeneca, có phần cao hơn ở một số tiêu chí đã định sẵn .
Các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai của vắc xin Medigen cho thấy rằng mật độ kháng thể của những người đã tiêm vắc xin Medigen và AstraZeneca là 3,4 – cao hơn mức yêu cầu chỉ 0,67. Bên cạnh đó, hiệu quả miễn dịch của vắc xin Medigen là 95,5%, cao hơn tiêu chuẩn thông thường chỉ là 50%.
Tuy vậy, vắc xin này vẫn cần có sự đồng thuận từ Hội đồng cố vấn về tiêm chủng (ACIP). Vắc xin này được phê chuẩn sử dụng cho người trên 20 tuổi, tiêm hai liều và cách nhau 28 ngày.
Trước đó, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đã tuyên bố rằng bà sẽ là nhân vật đầu tiên trong nội các sẽ tiêm loại vắc xin nội địa do các hãng dược Đài Loan nghiên cứu và sản xuất. Bà Thái cũng nói rằng “sẽ không có chuyện các quan chức chính phủ chen chân, nhảy hàng để giành tiêm vắc xin ngoại nhập với dân chúng”.
Các đợt bùng phát dịch từ cuối tháng 4 vừa rồi đã khiến “pháo đài phòng dịch” của Đài Loan sụp đổ. Tuy nhiên, Đài Loan đã nhanh chóng kiểm soát được tình hình trong vài tuần qua. Hiện số ca nhiễm mới dưới con số 20 ca mỗi ngày trong ba ngày liên tiếp vừa qua: hôm kia 14, hôm qua 8 và hôm nay 15.
1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 56,9 – 57,55 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá hai đầu là 650.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.813,2 USD/ounce, tăng nhẹ 1 USD, tương đương 0,06% so với chốt phiên trước. Việc chỉ số USD tiếp tục giảm nhẹ và lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn ở mức thấp là những yếu tố hỗ trợ giá kim loại quý.
2/ Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), những tháng cuối năm 2021, ngành tôm dự báo có cơ hội rất lớn do nhu cầu nhập khẩu của các nước trên thế giới tăng trở lại. Được biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chuỗi phân phối sản phẩm tôm xuất khẩu đi các thị trường có sự thay đổi, tỷ trọng tôm sú có chiều hướng giảm, một số mặt hàng tôm biển tỷ trọng không lớn nhưng vẫn được ưa chuộng nhất là thị trường Châu Á. Trong năm 2021, dự báo sản xuất nguyên liệu tôm sẽ đạt 1 triệu tấn, trong đó 700.000 tấn cho xuất khẩu và 300.000 tấn cho nội địa. Kim ngạch xuất khẩu tôm dự báo có thể tăng khoảng 15% so với năm 2020, vượt mốc 4 tỷ USD. Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 2,08 tỷ USD (tăng 9,8 % so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó xuất khẩu tôm đạt trên 800 triệu USD (tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2020).
3/ Công ty khởi nghiệp công nghệ phân phối thực phẩm KAMEREO mới đây đã huy động thành công khoản vốn 4,6 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A được đồng dẫn dắt bởi Tập đoàn CPF cùng các quỹ đầu tư mạo hiểm Quest Ventures và Genesia Ventures. KAMEREO là nền tảng phân phối thực phẩm B2B ứng dụng công nghệ đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, cửa hàng bán lẻ và văn phòng, kết nối người mua với người sản xuất nông nghiệp một cách nhanh chóng, đồng thời hỗ trợ các bên đẩy nhanh tiến độ cung cấp trái cây và rau củ đến các nhà hàng. KAMEREO cho biết nguồn vốn này sẽ giúp công ty tăng cường nhân lực và mở rộng phạm vi hoạt động ra Hà Nội vào năm tới, đồng thời xây dựng hệ thống quản lý kho nhằm tối ưu hóa các hoạt động hàng ngày.
4/ Báo cáo sơ kết công tác quản lý 6 tháng đầu năm của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, tổng giá trị sản phẩm nông sản giao dịch trên sàn thương mại điện tử đạt 944 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần cùng kỳ 2020. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2021, gần 8.000 hộ nông dân, 15.600 nông sản lên các sàn thương mại điện tử tăng lần lượt 191% và 268% so với cùng kỳ năm ngoái. Được biết, kết quả tích cực này nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành, địa phương thông qua việc Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy các doanh nghiệp bưu chính hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có nông sản (vải thiều Bắc Giang) xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo mô hình “Thương mại điện tử xuyên biên giới” qua sàn thương mại điện tử của doanh nghiệp trong nước.
5/ Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 đạt 11,8 tỷ USD. So với năm 2019 (10,08 tỷ USD), tốc độ tăng trưởng đạt 18%, thấp nhất từ năm 2016 đến nay. Dịch bệnh được cho là nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng về quy mô thị trường không cao như các năm trước. Tuy vậy, số lượng người mua sắm trực tuyến tiếp tục tăng mạnh, đạt 49,3 triệu năm 2020 so với con số của 44,8 triệu người năm trước đó và gấp hơn 1,5 lần so với 2016 (32,7 triệu người). Giá trị mua sắm trực tuyến của người Việt cũng tăng mạnh lên mức 240 USD trong năm 2020, từ mức 202 USD của năm 2019. Ngoài ra, tỷ lệ người sử dụng Internet tham gia mua sắm trực tuyến cũng tăng từ 77% năm 2019 lên con số 88% vào năm 2020.
6/ Trong tháng 6 xuất khẩu rau quả đạt hơn 320,514 USD, giảm 5,2% so với tháng 6/2020. Cộng dồn 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu rau quả đạt gần 2,027 USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt nửa đầu năm 2021, trong bối cảnh làn sóng Covid-19 lần thứ 4 trong nước diễn biến phức tạp. Các thị trường xuất khẩu rau quả chính trong 6 tháng đầu năm gồm: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều ghi nhận có mức tăng trưởng. Trong đó Hòa Kỳ đạt mức tăng trưởng cao nhất còn Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực với tỷ lệ 59,79%. Tuy đứng vị trí thứ 2 nhưng Mỹ là thị trường nhập khẩu đầy tiềm năng phát triển đối với trái cây Việt Nam. Trước hết, thị trường Mỹ có tới 332 triệu khách hàng với thu nhập đầu người cao và xu hướng ẩm thực ngày càng chú trọng thành phần rau, quả.
7/ Mỹ đang nhanh chóng trở thành “miền đất hứa” mới của giới khai thác Bitcoin. Theo số liệu của Đại học Cambridge, đây là điểm đến khai thác lớn thứ hai trên hành tinh, chiếm gần 17% tổng số thợ đào Bitcoin đến tháng 4. Con số này tăng 151% so với tháng 9/2020. Trước khi Trung Quốc cấm hoạt động khai thác Bitcoin, giới thợ đào tiền kỹ thuật số đã manh nha rời đi và kéo đến Mỹ. Việc Mỹ trở thành điểm đến lý tưởng mới của giới thợ đào Bitcoin không phải ngẫu nhiên. Trước khi giới khai thác tiền số bắt đầu đến Mỹ, các công ty tại đây đã bước vào một canh bạc chuẩn bị sẵn cơ sở hạ tầng để chào đón cuộc di cư trong tương lai. Đến nay, ván cược đó dường như đang thành công. Cùng với đó, Covid-19 cũng đóng một vai trò nhất định. Mặc dù đại dịch đã khiến một loạt nền kinh tế đóng cửa, nhưng các khoản cứu trợ khổng lồ của chính phủ Mỹ đã mang lại lợi ích cho giới thợ đào.
8/ Theo Chủ tịch danh dự của hãng sản xuất đồ điện tử và bán dẫn Tokyo Electron Ltd, Nhật Bản sẽ phải chi ít nhất 9 tỷ USD để hỗ trợ sự phát triển của ngành chip trong năm tài chính này cùng hàng ngàn tỷ USD sau đó, nếu nước này muốn có hy vọng ‘hồi sinh’ ngành công nghiệp này của mình. Theo đó, nếu không đảm bảo được những khoản đầu tư trên Nhật Bản sẽ còn tụt hậu so với Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Được biết, triển vọng nền kinh tế, an ninh quốc gia và nỗ lực đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050 của Nhật Bản đều phụ thuộc vào chất bán dẫn. Để đảm bảo các mục tiêu này, Nhật Bản cần phải trợ cấp, giảm thuế và tạo điều kiện chia sẻ công nghệ cho ngành công nghiệp quan trọng này. Tình trạng thiếu chip đã làm suy yếu hoạt động chế tạo toàn cầu của mọi sản phẩm, khiến quốc gia phải cạnh tranh khốc liệt và rót các khoản đầu tư khổng lồ để đảm bảo nguồn cung chip nội địa của mình.
9/ Tập đoàn viễn thông Ericsson của Thụy Điển vừa thông báo đã ký hợp đồng trị giá 8,3 tỷ USD để cung cấp thiết bị mạng 5G cho nhà mạng Verizon của Mỹ, hợp đồng có giá trị lớn nhất từ trước đến nay. Ericsson hiện đang cạnh tranh với Huawei và hãng Nokia của nước láng giềng Phần Lan để giành các hợp đồng 5G. Theo đó, Trung Quốc cùng với Mỹ là những thị trường lớn cho thiết bị của tập đoàn. Được biết, lợi nhuận ròng trong quý II/2021 của tập đoàn tăng 51%, đạt 3,9 tỷ kronor (450 triệu USD). Tuy nhiên, doanh số bán của Ericsson giảm 1%, xuống 54,9 tỷ kronor, chủ yếu do doanh số bán tại Trung Quốc giảm 2,5 tỷ kronor, sau khi tập đoàn đối thủ Huawei bị cấm bán thiết bị tại Thụy Điển.
10/ Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết, xuất khẩu xe hơi của nước này đã tăng 28% trong nửa đầu năm 2021 nhờ sự phục hồi kinh tế toàn cầu và nhu cầu các mẫu xe cao cấp gia tăng. Theo số liệu của Bộ trên, số lượng xe xuất khẩu của Hàn Quốc đã đạt 1.049.658 xe trong giai đoạn từ tháng 1-6/2021, tăng so với mức 820.873 xe cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu xe hơi của Hàn Quốc trong cùng giai đoạn trên cũng tăng 50% lên 23,6 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên số lượng xe hơi xuất khẩu của Hàn Quốc đạt mức tăng trưởng hai con số kể từ nửa đầu năm 2012. Bộ trên cho rằng sự tăng trưởng mạnh mẽ này là nhờ doanh số bán xe hybrid và xe điện ở nước ngoài tăng lần lượt 63,3% và 13,9% trong giai đoạn trên.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này