09:23 - 05/10/2021
‘Cát cứ sân bay’
Cục Hàng không Việt Nam đã lên kế hoạch sẽ mở lại các đường bay nội địa tại hơn 20 tỉnh thành trong cả nước từ ngày 5/10.
Nhưng kế hoạch này có thể bị gác lại bởi đến giờ chót, tình trạng mỗi nơi một ý vẫn đang diễn ra, đặc biệt là các tỉnh thành có sân bay chính – tức air hub của cả nước.
Hôm 2/10, Cục Hàng không đề xuất mở lại các đường bay đi và đến các địa phương gồm TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Nghệ An, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, Kiên Giang và Cà Mau. Tổng số các đường bay nội địa dự kiến khôi phục lại với số chuyến bay là 385 chuyến bay khứ hồi/ngày.
Hành khách đi bằng đường không và đường sắt phải đáp ứng các điều kiện: tuân thủ 5K, khai báo y tế, xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ bằng RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên. Không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm 1 liều vắc xin sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng.
Trong đó, TP.HCM dự kiến khôi phục lại 18 đường bay với 132 chuyến bay khứ hồi/ngày. Từ Đà Nẵng đi và đến các địa phương là 10 đường bay với 43 chuyến khứ hồi/ngày.
Phú Yên là một trong những tỉnh miền Trung nhanh chóng đồng ý. Hôm 3-10, UBND tỉnh Phú Yên đã chấp thuận đề xuất của Cục Hàng không về việc khai thác hàng không nội địa giai đoạn I, với đường bay Phú Yên – Hà Nội (3 chuyến khứ hồi/ngày) và Phú Yên – TP.HCM (4 chuyến khứ hồi/ngày).
Nhưng kế hoạch của Phú Yên và toàn mạng lưới vẫn chưa được thông qua. Bởi hai sân bay chính ở miền Bắc là Nội Bài và Cát Bi vẫn chưa đồng ý mở lại bầu trời.
UBND TP Hải Phòng hôm 3/10 đã trả lời bằng văn bản rằng “không đồng ý” mở lại các chuyến bay thương mại chở khách đi/đến sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Hiện Hà Nội vẫn chưa cho phép hàng không, đường sắt vận chuyển hành khách hoạt động trở lại do thực hiện Chỉ thị 15 từ hôm 21/9. Thậm chí đề nghị của Cục là “không chở khách đến, nhưng cho phép chở khách từ Hà Nội đi” vẫn chưa được cái gật đầu từ chính quyền thành phố.
Việc mở lại cảng hàng không quốc tế Nội Bài và TP.HCM có vai trò chủ chốt, bởi đây đầu mối giao thông trọng điểm trong mạng lưới bay nội địa và quốc tế. Nhưng Hà Nội chưa ưng mở, TP.HCM thì chưa hoàn tất phương án mở lại nên các nơi khác đành phải tiếp tục chờ.
Tình trạng “chín người mười ý” đang diễn ra. Nếu không đạt được sự đồng thuận hay sự chuẩn bị sẵn sàng cho ngày nối lại toàn bộ mạng bay thì kế hoạch khôi phục mạng lưới bay của Cục Hàng không sẽ bất thành.
Tình trạng “cát cứ sân bay” như thế này gợi lại cảnh bít đường ra cảng biển Hải Phòng hồi đợt dịch đầu năm và tháng 5 vừa rồi. Nhiều doanh nghiệp các tỉnh láng giềng đã khóc mếu khi các container hàng xuất bị kẹt lại khi Hải Phòng đóng cửa và kiểm soát chặt chẽ đường ra cảng.
Và liệu hệ quả của “cát cứ sân bay” sẽ đến đâu? Cần nhắc lại đợt dịch lần thứ tư của chủng Delta đã tác động đến đường bay vàng Hà Nội – TP.HCM và thị trường hàng không Việt Nam trong bốn tháng qua như thế nào. Từ hạng 2 trong Top 10 đường bay bận rộn nhất thế giới trong gần một năm qua, tuyến Hà Nội – TP.HCM đã tụt xuống hạng 5 vào đầu tháng 7 và mất hút trong bảng Top 10 đầu tháng 8. Trong khi đó, từ hạng 19, Việt Nam cũng lọt ra khỏi bảng xếp hạng Top 20 các thị trường hàng không lớn nhất thế giới – theo hãng dữ liệu hàng không OAG Aviation Worldwide.
Vào chính thời điểm này, “cát cứ sân bay” sẽ ảnh hưởng đến sự hồi phục kinh tế hàng không và nền kinh tế chung trong quý 4 này.
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,65 – 57,35 triệu đồng/lượng, tăng 100.00 đồng/lượng ở chiều mua vào và 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với giá khảo sát cuối tuần trước. Chênh lệch giá hai đầu được mở rộng lên mức 700.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.764,2 USD/ounce, tăng 3,2 USD, tương đương 0,18% so với chốt phiên trước.
2/ Infographic: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,45% trong 9 tháng đầu năm 2021.
3/ Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), 7 tháng đầu năm 2021, Nga nhập khẩu tôm từ 25 nguồn cung. Trong đó, Việt Nam vẫn là thị trường cung cấp tôm lớn thứ 3 của Nga, chiếm 10% thị phần, sau Ấn Độ và Ecuador. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nga đạt trên 27 triệu USD, tăng 87% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính tới nửa đầu tháng 9 năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nga đã đạt 32,5 triệu USD. Được biết, trong 5 năm từ 2016-2020, Nga đã tăng nhập khẩu tôm từ các nguồn cung chính là Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam, Argentina, trong khi giảm dần nhập khẩu từ Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia, Thái Lan.
4/ Từ mức thu ngân sách bình quân 1.400 tỷ đồng/ngày trước tháng 6, số thu của TP. HCM đã sụt giảm mạnh chỉ còn 600 tỷ đồng/ngày. Theo đó, doanh nghiệp và nền kinh tế của TP. HCM đang cần những chính sách hỗ trợ đặc biệt. Phó chủ tịch UBND TP. HCM, 6 tháng đầu năm, bình quân TPHCM thu ngân sách 1.400 tỷ đồng/ngày, đến tháng 7-8 chỉ còn 700 tỷ đồng mỗi ngày, và tháng 9 vừa qua tiếp tục giảm còn 600 tỷ đồng/ngày. Thêm vào đó, đầu tháng 8, dự kiến GRDP của TPHCM năm nay sẽ giảm 2,8%. Nhưng đến lúc này, GRDP cả năm của thành phố dự đoán sẽ giảm khoảng 5,6%, tức gấp đôi ước tính trước đó. Được biết, các chuyên gia kinh tế đều có chung dự báo để TPHCM phục hồi kinh tế sẽ cần nhiều thời gian, có thể 9-10 tháng hay một năm, chứ không thể vừa mở cửa đã phục hồi ngay.
5/ Số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, xuất khẩu sang Indonesia 8 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam đạt giá trị kim ngạch 2,51 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng xuất khẩu cao trong 8 tháng đầu năm 2021 bên cạnh yếu tố giá hàng hóa quốc tế tăng cao còn cho thấy nhu cầu nhập khẩu của Indonesia đang dần hồi phục. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư FDI của Indonesia trong 9 tháng đầu 2021 đạt 5,49 triệu USD, xếp thứ 39/94 tổng số nước đầu tư vào Việt Nam trong năm 2021. FDI đầu tư của Indonesia vào Việt Nam được thực hiện dưới hình thức góp vốn mua cổ phần. Tổng số dự án còn hiệu lực của Indonesia tại Việt Nam tính tới tháng 9/2021 là 86 dự án với tổng số vốn là 611,57 triệu USD, xếp thứ 29/141 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
6/ Với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và cung ứng cà phê Việt Nam giá trị cao cho thị trường trong nước và thế giới, Nestlé Việt Nam vừa công bố đầu tư thêm 132 triệu USD nhằm tăng gấp đôi công suất chế biến các dòng cà phê chất lượng cao tại nhà máy Nestlé Trị An, tỉnh Đồng Nai. Khoản đầu tư này đã nâng tổng giá trị đầu tư nước ngoài của Nestlé Việt Nam lên gần 730 triệu USD. Được biết, bên cạnh các hoạt động chế biến, Nestlé còn là đơn vị thu mua cà phê lớn nhất với tổng giá trị thu mua hằng năm khoảng 20-25% tổng sản lượng cà phê Việt Nam, tương đương 700 triệu USD/năm.
7/ Theo dữ liệu sơ bộ từ văn phòng thống kê Eurostat của châu Âu, lạm phát khu vực đồng euro đạt mức 3,4% vào tháng trước. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 9/2008, khi lạm phát đạt 3,6%. Trong đó, giá tiêu dùng của Đức vào tháng 9 tăng 4,1%, mức cao nhất trong gần 30 năm. Theo đó, việc giá năng lượng tăng cao đã đẩy lạm phát tháng 9 của khu vực đồng euro lên cao nhất trong 13 năm. Các ngân hàng trung ương ở châu Âu cho rằng lạm phát tăng đột biến gần đây là tạm thời và áp lực giá cả sẽ giảm bớt vào năm 2022. Nhưng một số nhà kinh tế đang đặt câu hỏi liệu tất cả áp lực về giá có phải là tạm thời và liệu ngân hàng trung ương có cần điều chỉnh chính sách tiền tệ nhanh hơn hay không.
8/ Thời điểm này năm ngoái, da cừu hầu như không có giá trị; nhưng thiếu hụt nguồn cung và sự hồi sinh của nhu cầu từ Trung Quốc đã khiến giá tăng lên 11 USD/bộ. Là một sản phẩm phụ từ động vật, nguồn cung da cừu liên quan trực tiếp đến số lượng cừu được chế biến. Tuy nhiên, thị trường vẫn khó có thể được dự đoán bởi nhu cầu chủ yếu do ngành thời trang của Trung Quốc, đặc biệt là lĩnh vực giày dép, quyết định. Mặc dù giá da cừu đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 5 năm 2018, nhưng nhà phân tích hàng hóa Matt Dalgleish cho biết mức giá này vẫn còn cách xa kỷ lục gần 20 USD/tấm của một thập kỷ trước. Được biết, việc đưa da cừu đến Trung Quốc hiện là một thách thức, với cả nhà chế biến và vận chuyển vì họ đều bị ảnh hưởng gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra.
9/ Theo thống kê từ công ty nghiên cứu Strategy Analytics, Apple hiện đang dẫn đầu thị trường máy tính bảng chiếm 58% doanh thu trong quý 2/2021. Được biết, trong thời gian qua, Apple luôn tự thiết kế bộ vi xử lý dòng A cho iPhone và iPad. Đây cũng là hướng đi của hãng để chủ động nguồn chip và tối ưu hiệu năng cho MacBook với dòng chip M hiện tại. Ở thế hệ iPad Pro mới, Apple bắt đầu trang bị các con chip dòng M, thay thế cho vi xử lý dòng A. Đứng sau Apple là Intel với 14% thị phần, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ nhu cầu cao với máy tính bảng chạy hệ điều hành Windows. Qualcomm đứng thứ 3 với 10% thị phần, MediaTek và Samsung xếp tiếp theo trong top 5.
10/ Theo Phòng nghiên cứu phát triển quốc tế AidData, việc Trung Quốc “hào phóng” hỗ trợ để thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng ở nước ngoài đã khiến các quốc gia nghèo có thể phải “gánh” số nợ lên tới 385 tỷ USD, và hơn 1/3 số dự án này hiện đang “dính” vào các cáo buộc tham nhũng hoặc bị phản đối. Theo đó, Trung Quốc đã đầu tư hơn 843 tỷ USD để xây dựng đường sá, cầu, cảng và bệnh viện ở nhiều quốc gia kể từ năm 2013. Được biết, gần 70% số tiền này đã được cho vay thông qua các ngân hàng nhà nước hoặc liên doanh giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và các đối tác trong nước ở các quốc gia vốn đã vay nợ nhiều của Trung Quốc. Đáng chú ý, đều này đã dẫn đến việc nhiều quốc gia nghèo hiện không thể vay thêm và thậm chí chính các chính phủ cũng không biết chính xác số tiền mà họ nợ Trung Quốc là bao nhiêu.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này