
09:21 - 11/07/2019
Hàng Việt vào siêu thị: thay đổi để tồn tại
Phản đối nhà bán lẻ ngoại, ủng hộ doanh nghiệp nội bất chấp quy luật của nền kinh tế thị trường, liệu chúng ta có đang lạm dụng cái gọi là “tinh thần dân tộc”?
Hàng vậy không biết bán cho ai
Ngay sau khi xảy ra sự việc tạm ngưng mua hàng may mặc Việt của Big C, chúng tôi khảo sát một số siêu thị trong chuỗi Big C Việt Nam. Tại Big C trên đường Tô Hiến Thành (quận 10, TP.HCM), hàng may mặc Việt ngập siêu thị, nhiều bảng ghi “Giá sốc mùa sinh nhật” với áo thun bé gái 39.000 đồng/cái, bộ đồ thun bé trai/gái chỉ từ 49.000 đồng/bộ, đầm thun bé gái 59.000 đồng/bộ, quần short kaki nam 109.000 đồng/cái, quần short linen nữ 79.000 đồng/cái, áo thun nữ 79.000 đồng/cái… Hàng không khuyến mãi, treo ngập trên các quầy kệ cũng có giá cực kỳ dễ chịu 119.000 đồng/áo nữ trung niên, chất liệu từ voan, đũi, tơ tằm; áo đầm hoa nữ 169.000 đồng/cái, áo thun nam có cổ 129.000 đồng/cái, quần kaki dài nam 159.000 đồng/cái… Tương tự tại Big C Miền Đông trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng vậy, hàng may mặc có giá tương đương và phong phú chủng loại cho trẻ nhỏ đến người lớn.
Nếu với sản phẩm cùng loại bán ngoài chợ hoặc trong một số cửa hàng bán áo quần bình dân, mức giá trên khá dễ chịu và có thể nói là cạnh tranh tốt. Tuy nhiên, thời điểm chúng tôi đi siêu thị dù là vào ngày cuối tuần, nhưng người ghé vào quầy áo quần trong siêu thị lại rất ít. Sau khi đứng xem hàng và lựa gần 20 phút trước dãy treo áo nữ giá 119.000 đồng/cái, bà Nguyễn Thị Bình (P.9, Q. Tân Bình) lắc đầu bảo: “Không ưng ý cái nào cả”. Tại sao ạ?“Chất liệu kém. Với mức giá đó thì chất liệu vậy thôi, nhưng đường may mũi chỉ cũng kém. Hàng này bán cho giới trung niên, mà người lớn tuổi không thể như tuổi teen, ăn mặc cẩu thả được. Thà mua cao hơn chút, hàng chỉn chu đẹp hơn nhiều. Bán hàng vậy không biết bán cho ai”, bà Bình giải thích.
Cả khu vực bán áo quần trong Big C Tô Hiến Thành tại thời điểm đó chỉ có ba khách hàng, hai phụ nữ tuổi trung niên và một phụ nữ trẻ hơn đang lựa đồ cho bé gái.
Rẻ, tốt, tại sao người tiêu dùng Việt lại không mua hàng của doanh nghiệp nội? Câu hỏi được TS Nguyễn Đức Thành đặt ra và cũng là câu hỏi chúng tôi phỏng vấn các bà nội trợ đi mua áo quần tại siêu thị.
Chị Mai Thảo (36 tuổi, CMT8, quận 10) đang phân vân cầm chiếc áo đầm cho bé gái giá 59.900 đồng (màu xám) tại siêu thị Co.opmart Lữ Gia (quận 11, TP.HCM) nói: “Giá rẻ nhưng chất lượng vải kém quá, hàng xuất khẩu với chiếc áo thế này tầm 50.000 – 70.000 đồng, nhưng chất lượng vải và đường may sắc sảo hơn nhiều”. Nhận xét về hàng áo quần trong siêu thị, chị Thảo nói thêm, đa số hàng mẫu mã không cập nhật thời trang, kiểu dáng cũ và thiếu sáng tạo. Một kiểu áo may đi may lại ba năm nay không mấy thay đổi, chậm đổi mới hơn hàng chợ. Nên thường người tiêu dùng thành thị không chuộng lắm.Nhưng hàng có giá rẻ và chất liệu cũng tốt so với hàng chợ? Chị Thảo lắc đầu: “Không chắc chắn. Hàng chợ nay kiểu dáng cực kỳ cập nhật và thời trang. Đường may mũi chỉ cũng… ẩu như hàng trong siêu thị, nên nếu chọn lựa, giới tiêu dùng bình dân thà chọn hàng chợ”. Còn bà Thái Thị Lan (Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) nói ngay: “Chất lượng không tốt, cái rẻ quá không mặc được, cái mặc được không rẻ mà chất lượng đại trà, không bắt mắt”.
Chỉ có nâng chất lẫn lượng
Như vậy, vấn đề ở đây là chất lượng và bán chạy.Hai yếu tố đó liệu có nằm trong kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng của ông chủ Big C Việt Nam? Hàng may mặc Việt đang bán trong siêu thị thiếu hai yếu tố trên? Tham khảo ý kiến của nhiều người tiêu dùng khác, đa số giới nữ văn phòng từ trẻ cho đến tuổi trung niên đều cho biết, họ không thể chọn được áo quần trong siêu thị để mặc đi làm, vì từ mẫu mã và chất liệu vải đều “lạc hậu so với xu hướng”.
Tinh thần bài trừ Big C Việt Nam trong mấy ngày qua có thể lý giải phản ứng mang tính dân tộc, một bộ phận người tiêu dùng vẫn đặt niềm tin vào hàng Việt.Tuy nhiên, một bộ phận khác (chiếm số đông) lại có quyền lựa chọn cho quyết định của mình. Khi người tiêu dùng không chọn sản phẩm hàng Việt ngay trong siêu thị không phân biệt là bán lẻ ngoại hay bán lẻ nội, thay vì kêu gọi tẩy chay nhà phân phối, sục sôi với tinh thần dân tộc dâng cao, thiết nghĩ chính hàng trong nước, doanh nghiệp – nhà sản xuất hàng Việt đã đến lúc phải thay đổi chính mình, nâng chất lẫn lượng để có vị trí xứng đáng tồn tại được trên sân nhà, trước khi ra sân chơi lớn hơn với những CPTPP, EVFTA…
Cuộc chiến bán lẻ luôn khốc liệt và được dự báo sẽ khốc liệt hơn nữa khi các ông lớn bán lẻ ngoại: Nhật, Hàn, Thái và bán lẻ trực tuyến từ Trung Quốc đều đã vào Việt Nam. Việc tồn tại được hay không của những nhà sản xuất nội địa trong làn sóng bán lẻ ngoại tràn vào Việt Nam trước hết phải dựa vào khả năng của mình, không thể dựa vào sức ép dư luận, tinh thần dân tộc, hay sự can thiệp nhất thời từ cơ quan quản lý.
Hoàng Hy (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này