09:10 - 22/08/2019
Vào kho vàng dược liệu Việt của Phú Yên
Đứng ngắm từ ngoài, trung tâm này, quả thực như một resort (khu nghỉ dưỡng) tràn ngập màu xanh mát mắt, sực nức mùi thơm các loại cây thuốc, tôi càng háo hức vì biết ở đây có một kho tàng dược liệu quý, được vợ chồng chủ nhân yêu quý gắn bó suốt 30 năm rồi.
Ông Lâm vừa gạt các cành cây xoè ngang đường, vừa kể, trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung này thành lập từ năm 1987, khởi đầu đây là vùng đất hoang vu, gió biển rít hú ngày đêm, thổi tung cát bay đá chạy, chung quanh chỉ toàn phi lao với xương rồng. Hai vợ chồng thấy vùng đất cát này chính là nơi trồng dược liệu tốt, nên quyết định cắm trại luôn.Bây giờ đã có gần 100 công nhân. Những bạn trẻ xuất hiện từ những tàn cây sôi nổi hơn ông chủ, thân thiện, rành rẽ, giúp khách khám phá rừng thuốc với những cái tên hấp dẫn. Dây thìa canh, cây bọ mắm, phan tả diệp, xạ cán… Lúc đầu toàn khu trang trại trồng một loại cây – cây dừa cạn, trị các bệnh nội tiết, tim mạch và máu, trồng ở vùng đất cát thì chứa nhiều hoạt chất alkaloid, dược tính cao hơn trồng ở các vùng khác. Kế đó là một công trình lớn: trồng 10ha trên tổng diện tích một vùng lớn 15ha toàn một loại cây thuốc quý: diệp hạ châu, nghe nói giúp hạ men gan. Nông dân ở ba thành phố và huyện có tên Hoà (Tuy Hoà, Đông Hoà, Phú Hoà) được hướng dẫn trồng diệp hạ châu, họ tự nguyện chuyển canh tác rau màu qua loại dược liệu này, được đảm bảo đầu ra với thu nhập trung bình 200 triệu đồng/năm cho 1ha.
Cây được chặt ra, phơi trên khoảng sân xi măng rộng lớn, khi chúng tôi đến các nữ công nhân đang phơi cây thuốc.Tôi hỏi, “cây thuốc này tên gì em”.“Dạ cây chó đẻ”.“Trời đất, tên gì không dịu dàng chút nào vậy”. Cô thợ phơi thuốc bật cười, giải thích ngon ơ, “dân ở đây toàn kêu vậy đó cô, bởi khi con chó nó đẻ nó rất thích ăn cây này. Dân kêu vậy nhưng tên thuốc chính là… diệp hạ châu đó”.
Ông chủ trong mắt người làm
Ông Châu Văn Đồng, một nông dân ở khu phố 3, phường Phú Thạnh, tham gia trồng cây thuốc ngay đợt đầu, cho biết: “So với trồng rau màu, nhọc công chăm sóc, tốn tiền phân thuốc nhiều, còn trồng diệp hạ châu chỉ cần theo đúng quy trình được hướng dẫn, như làm đất kỹ, tưới nhẹ mỗi ngày hai bận, bón phân vi sinh đúng liều là… chắc ăn”. Nếu không có trục trặc lớn, thu nhập trồng thuốc cao gấp năm lần trồng lúa.
Câu chuyện về cặp vợ chồng mê cây thuốc nam, thì tôi không nghe người chồng đang dẫn khách đi thăm, (ông Hoàng Xuân Lâm, kỹ sư sinh học về đây làm… phó giám đốc cho vợ, bà Lê Thị Tuyết Anh) kể nhiều, mà buổi trưa ngồi nghỉ chân ở thềm nhà màng mới dựng (đang ươm giống một loại cây quý là cam thảo Đá Bia) lại nghe một kỹ sư trẻ kể là hai ông bà về đây gây dựng đã 30 năm, có nhà ở Sài Gòn mà đam mê cây thuốc, bỏ về đây sống với nông dân và cây cỏ, và rồi cậu con trai tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Anh, lại cũng về làm marketing cho cây thuốc.
Những câu chuyện sống động, ly kỳ được diễn giải bởi một giọng trầm, hiền khô của ông Lâm khiến tôi nhìn cây thuốc nào cũng thấy có một đời sống, lý lịch riêng, cá tính riêng. Loại cây có cái tên lạ nhất, cam thảo Đá Bia, té ra cũng có câu chuyện rất hay, thấm đẫm tình yêu… vợ của ông chủ vườn thuốc. Ông Lâm kể, chị thấy không, chúng tôi vừa làm thử nhà màng có phun sương và tưới nhỏ giọt là để cấy gien, ươm cây thuốc mới này. Vừa qua nhóm nghiên cứu của trung tâm, mà đứng đầu vợ tôi và TS Trần Thế Bách (viện Sinh thái và tài nguyên sinh học thuộc viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) đã công bố lại tên khoa học cho cây thuốc cam thảo Đá Bia này. Đây là loại thảo dược đặc hữu, quý hiếm có danh pháp khoa học là Jasminanthes Tuyaenhiae T.B. Tran & Rodda Apocynaceae. Nghĩa là nhóm nghiên cứu dựa trên quá trình phát triển nguồn gien quý hiếm của dược liệu, nên đã đặt tên mới cho “cam thảo Đá Bia” có bao gồm tên của KS Tuyết Anh, thông qua tạp chí khoa học quốc tế Ann. Bot. Fennici 55: 163-169 Helsinki 12/4/2018 (quá mới?). Cây thuốc này có đặc điểm quý là chứa chất ngọt gấp ngàn lần vị ngọt của cây cam thảo thường, nên chắc sẽ là thông dụng thay cho đường có hoá chất.
Làm khổ, bán trong nước càng khổ
Điều hấp dẫn trí tò mò của tôi là việc nuôi cấy gien, bảo tồn các giống quý và tìm ra giống mới của các nhà nghiên cứu ở đây. “Người đàn bà dược liệu” nay 65 tuổi (vừa đoạt giải thưởng Kova hạng mục Kiến tạo năm 2018), vẫn đang cùng chồng và lớp trẻ của trung tâm trồng khảo nghiệm ba loại dược liệu quý đang có nguy cơ tuyệt chủng (bị những người tập trung khai thác sâm thiên nhiên bán kiếm lợi lớn) là: xáo tam phân, cây mật nhân và sâm Phú Yên. Ông Lâm lắc đầu, thấy người ta bới tung cả mảnh rừng, phá nát cây, đào tận gốc, tróc tận rễ cây mà xót xa lắm.
Thực tế, tác dụng dược tính của các loại cây này là có thật. Rễ cây mật nhân chứa các hoạt chất kích thích tăng cường testosterone nội sinh, hỗ trợ khả năng sinh lý cho nam giới và hạn chế quá trình mãn dục nam tự nhiên. Còn cây xáo tam phân có tác dụng ngăn ngừa xơ vữa động mạch, thoái hoá gan và giúp điều trị bệnh ung thư (tuy vậy, các nhà nghiên cứu ở đây không nói cây điều trị ung thư, mà rất thận trọng khi tiếp tục nghiên cứu về tác dụng điều trị ung thư, thì ghi rõ là: hỗ trợ điều trị ung thư…)
Khi đi ngang khu đất bạt ngàn cây đinh lăng, chúng tôi chụp ảnh các chị công nhân đang ngồi đào rễ cây chuẩn bị đem bán để ngâm rượu thuốc, ông Lâm nói nhẹ, đào rễ cây này cực lắm, phải cẩn thận từng chút một để khỏi đứt các rễ cây quá nhiều nhánh, nhưng giá cũng đang giảm, so với năm ngoái 300.000 đồng một bộ rễ, thì năm nay chỉ còn hơn 150.000 đồng.
Nhà khoa học nói chuyện kinh doanh, chỉ nghe thôi đã thấy tất cả sự nhọc nhằn.Ông Lâm nói giọng trầm tĩnh, không phải kiểu phàn nàn thường thấy của những người kinh doanh chuyên nghiệp. Người Việt chưa thật dành sự quý trọng cho thuốc của mình, và cũng chưa đặt nặng đúng mức việc sử dung thuốc nam. Họ thường thích thuốc giá rẻ, bất chấp chất lượng, nên xảy ra chuyện tréo ngoe: thuốc của mình đạt chuẩn Việt Nam và quốc tế lại ít được lựa chọn, trong khi thị trường thuốc châu Âu khắt khe, nhưng lại tin dùng. Lại còn tình trạng khi đấu giá vào các bệnh viện trong nước thì đấu không lại thuốc có xuất xứ Trung Quốc, mà giá họ bán rẻ hơn và chiết khấu lại cao hơn. Thành ra nhiều sản phẩm của trung tâm xuất khẩu được ra thế giới, mà chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Ông Lâm kết luận: Làm khoa học là gian khổ nhưng làm nghiên cứu, nhân giống cây dược liệu cực khổ gấp nhiều lần. Tôi tựa lưng vào cả một dãy lớn các bao vuông đã đóng gói cẩn thận chuẩn bị chuyển đi giao hàng cho các công ty dược như Danapha, Nam Dược, Khang Minh… và nói thêm sau câu kết của ông, sản xuất khó mà kinh doanh còn khó hơn nữa, thưa anh.
Với nguồn tài nguyên bản địa, khả năng và sự am tường chuyên môn về dược liệu, tôi hy vọng khi trung tâm này có lớp trẻ được đào tạo về marketing, sale, quản trị về sẽ gánh bớt một phía đang trĩu nặng trên đôi vai của ba, mẹ các bạn, những người đã can đảm về đây xây dựng từ đầu một vùng trang trại hoang vu “ớn lạnh” 30 năm trước.
bài và ảnh Kim Hạnh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này