
11:06 - 26/12/2018
Niên vụ cà phê 2018/2019: Thêm mùa cà phê ảm đạm
Sáng ngày 21/12/2018 tại TP.HCM, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà phê đã gặp mặt để bàn về chuyện mua và xuất khẩu cà phê Việt Nam ra thị trường thế giới.

Nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên lại một mùa thất bát. Trong ảnh: người dân K’Ho ở Lâm Đồng phơi cà phê. Ảnh: Lê Tín.
Nhìn nhận chungcủa giới sản xuất và xuất khẩu, lại thêm một mùa ảm đạm cho cà phê Việt Nam!
Mất mùa và mất giá!
Ông Hoàng Vinh, một nông dân trồng cà phê ở xã IaBlang (Chư Sê, Gia Lai) nói với Thế Giới Tiếp Thị: “Chưa bao giờ có một mùa cà phê khó chịu như năm nay. Đầu mùa thấy mưa dày cơn, bà con mừng lắm nhưng mưa kéo dài, cà phê dư nước, lại trúng vào mùa ra trái nên trái non rụng hết. Có những vườn cà phê dưới triền đồi bị xì nước mạch, nên tỷ lệ trái cho đến ngày thu hoạch chỉ còn 30 – 40%. Những vườn nằm ở vị thế cao hơn, rụng chừng 20 – 30%.Có nhiều vườn còn dày trái, nhưng vì mưa nhiều nên nhân bị lép”.Theo lão nông này, hiện nông dân trồng cà phê đang hái sạch để cây dưỡng sức, sau tết Nguyên đán sẽ tưới nước để cà phê ra bông cho vụ mùa mới.
Còn từ góc nhìn của hiệp hội Cà phê – ca cao Việt Nam, tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp, ông Lương Văn Tự, chủ tịch hiệp hội cho biết, dự báo sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2018/2019 giảm khoảng 20%. Theo ông Tự, nhiều vườn cà phê ở các tỉnh: Gia Lai, Dăk Lăk, Dăk Nông trái lép nhiều, trên 5kg quả tươi mới được 1kg nhân. Cũng theo đánh giá của hiệp hội, Gia Lai là tỉnh có tỷ lệ mất mùa cao nhất, chừng 40%.
Mất mùa đã làm nông dân buồn, nhưng điều đáng buồn hơn, so với cùng thời điểm năm ngoái, giá cà phê hiện nay thấp hơn 4.000 – 5.000 đồng/kg.“Hiện giá cà phê dao động từ 32.800 – 33.000 đồng/kg. May mà năm nay ít tưới nước, ít bón phân nên chi phí thấp, với giá đó và bị mất mùa, coi như huề vốn”, bà Nhung, một chủ vườn cà phê cũng ở xã IaBlang, nói thêm.
Trước khi niên vụ cà phê 2018/2019 bắt đầu vào thời điểm thu hoạch chính, vào cuối tháng 11/2018, theo thông tin của hiệp hội, giá cà phê robusta dao động từ 34.400 đồng/kg (tại huyện Di Linh, Lâm Đồng) đến 35.300 đồng/kg (tại huyện Dăk Hà, Kon Tum).
Nghĩ đến chuyện vay vốn dự phòng
Diện tích cà phê giảm trong năm 2017 và 2018, khoảng 6%, do nông dân đã chuyển sang trồng cây khác như: sầu riêng, bơ…, cộng vào đó mất mùa do thời tiết đã làm sản lượng cà phê niên vụ 2018/2019 giảm chừng 20% như dự báo từ hiệp hội. Nhưng theo ông Đỗ Hà Nam, chủ nhiệm câu lạc bộ cà phê G20 Việt Nam, hiện tại giá cà phê thấp nhất trong những năm qua, 33.000 đồng/kg (dưới giá thành), nên nông dân sẽ không bán ào ạt như niên vụ trước. Ông Nam cho rằng, với những diễn biến khó khăn của ngành cà phê trong thời điểm hiện tại, “các doanh nghiệp tham gia kinh doanh xuất khẩu cà phê hạn chế tối đa việc bán xa để phòng trừ rủi ro trong kinh doanh, không ký bán giá thấp”.
Niên vụ cà phê 2017/2018, cà phê Việt Nam xuất khẩu 1,8 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD. Còn niên vụ cà phê hiện nay thì sao? Chưa có ai trả lời được khi có nhiều khốn khó vây quanh. Tại cuộc gặp mặt của các doanh nghiệp xuất khẩu và sản xuất cà phê, câu lạc bộ cà phê G20 Việt Nam đã đề nghị hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam có văn bản kiến nghị các bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương và ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện về vốn cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê vay, để trong thời gian cao điểm sau thu hoạch (từ tháng 12/2018 – 3/2019) bắt đầu thu mua cà phê bằng cách ứng tiền cho nông dân gửi hàng, để chờ giá cao hơn giá thành. “Đây là giải pháp đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, cũng như lợi ích của nông dân, trong tình hình cà phê Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, dù chất lượng cà phê niên vụ 2018 – 2019 cao hơn so với các vụ trước, với những lý do: thời vụ thu hoạch không gặp mưa, cà phê phơi đủ độ nắng…”, ông Nam nói.
bài, ảnh Thịnh An (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này