10:13 - 13/03/2019
Chia sẻ kinh nghiệm về thị trường Trung Quốc
Nếu muốn ngành cá tra phát triển thì phải triệt tiêu đội ngũ thương nhân mua cá tra, tổ chức gia công để xuất đi Trung Quốc theo tiểu ngạch.
Bà Phan Gia Mẫn, phụ trách kinh doanh công ty TNHH XNK Vũ Thạnh: Chấp nhận cuộc chơi mới
Doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu hàng vào Mỹ, EU, Nhật… nên không ngại rào cản kỹ thuật của Trung Quốc. Nhưng vấn đề tồn tại là doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đặt hàng với chất lượng như thế nào, thì doanh nghiệp Việt đều chịu làm. Doanh nghiệp thường làm với tâm lý là tôi phải giải quyết cái lo của tôi chứ không nghĩ đến cái chung, vì hiện có nhiều công ty đang ở ngưỡng sống còn. Khi gặp được đối tác đặt hàng thì làm với cái giá rất mềm, dẫn đến chất lượng thấp.Tôi nghĩ Nhà nước phải có sự hỗ trợ như thế nào với những doanh nghiệp đang gặp khó khăn.Những doanh nghiệp này họ chấp nhận sản xuất các mặt hàng kém chất lượng, rẻ tiền, chứ thực sự năng lực đều làm được sản phẩm cao cấp.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang dần đặt ra quy định riêng, yêu cầu riêng cho chất lượng hàng hoá nhập khẩu.Trước đây, những nhà máy từng làm hàng vào Mỹ cũng phải tuân thủ yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng của họ đưa ra. Cho nên sau này, một cơ quan nào đó của Trung Quốc cũng sẽ đứng ra, thẩm định lại vùng nuôi, vùng trồng, thẩm định các nhà máy rồi cấp code riêng, giống như cách mà Mỹ, EU đang làm. Khi đó, sẽ xuất hiện luật chơi mới: anh muốn vào thị trường Trung Quốc anh phải có mã code do Trung Quốc cấp.
Ông Ong Hàng Văn, phó tổng giám đốc công ty Trường Giang (Đồng Tháp): Không tiếp tay kiểu làm ăn bẩn
Hai năm nay xuất hiện tình trạng thương lái Trung Quốc xuống các vùng nuôi cá tra chi tiền cho thương lái Việt mua cá, sau đó mượn code nhà máy, dùng chứng thư giả, chứng từ quay vòng, thậm chí còn yêu cầu mạ băng 50 – 80% để gia công hàng đưa về. Tôi thấy, trước tiên phải triệt tiêu thương nhân Trung Quốc sang làm đủ thứ cho đường tiểu ngạch… Tôi là người gốc Hoa, nhưng phải nói, vì sự sống còn của mấy ngàn công nhân, nếu muốn ngành cá tra phát triển thì phải triệt tiêu đội ngũ thương nhân mua cá tra, tổ chức gia công để xuất đi Trung Quốc theo tiểu ngạch. Chúng ta đầu tư nhà máy 200 tỷ để có thể sản xuất, chế biến cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc. Còn họ, chỉ cần mang 1 triệu USD là có thể qua đây quậy tưng bừng. Một đối tác ở Mỹ từng nói với tôi rằng, các anh nên học bài học về con cá rô phi của Đài Loan cách đây mười năm. Đài Loan từng cương quyết không chịu cách như thương nhân Trung Quốc đang làm với con cá tra. Họ thấy được hậu quả đó. Con tôm của Thái Lan, cách đây năm năm cũng vậy. Thương nhân Trung Quốc mua xong, mạ băng rồi làm tầm bậy tầm bạ, cuối cùng thì te tua hết.
Ông Nguyễn Lâm Viên, chủ tịch HĐQT, kiêm tổng giám đốc công ty Vinamit: Cần thêm nhiều loại nông sản bán chính ngạch
Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, sắp tới hội DN.HVNCLC sẽ phối hợp với bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn giúp cho danh mục nông sản xuất chính ngạch nhiều hơn. Hội cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, nhà vườn tổ chức sản xuất theo chứng nhận, vì hàng rào kỹ thuật của Trung Quốc bây giờ rất ngặt nghèo, thậm chí hơn cả Mỹ.
Hiện nay, Việt Nam mới có tám loại trái cây gồm xoài, nhãn, chuối, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít, thanh long được Trung Quốc cấp phép. Chỉ có gạo là loại đặc biệt không nằm trong danh sách và thuỷ hải sản được tự do bán tiểu ngạch. Những loại nông sản không nằm trong danh sách này chắc chắn sẽ chịu rủi ro lớn, như khoai lang ở Gia Lai đang rớt thảm hại vì Trung Quốc không mua. Kế đến là dừa, cam… cũng liên tục gặp khó, vì không được cấp phép.
Bích – Lan ghi (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này