
09:39 - 20/06/2019
Trái chuối Fohla vào Nhật bằng lòng thành
Trong quá trình đưa các đối tác Nhật Bản sang Việt Nam mua tôm của các nhà máy, biết được người Nhật rất kỹ lưỡng, họ thường truy tìm những điểm chưa đạt, nên ông Võ Quan Huy khi bắt đầu quá trình trồng chuối Fohla đã chuẩn bị chu đáo từ hạ tầng, hồ sơ, canh tác, thu hoạch, đóng gói…

“Tuân thủ tự nguyện các tiêu chuẩn từ đối tác Nhật Bản đưa ra, nên chuối của Huy Long An chưa bao giờ bị trả hàng” – ông Võ Quan Huy nói.
Tất cả những điều đó đã khiến người Nhật gật đầu!
Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm công ty Huy Long An – Mỹ Bình của ông Võ Quan Huy xuất hơn 2.500 tấn chuối sang thị trường Nhật Bản. Hiện nay, vườn chuối của ông Huy ngoài 40ha ở Long An, còn có khoảng 70 ha ở Tây Ninh.
Chia sẻ về kinh nghiệm làm tiêu chuẩn đưa hàng xuất vào thị trường Nhật, ông Huy cho hay, khó khăn nhất là tránh việc chuối bị nhiễm nấm bệnh trong quá trình bảo quản. Còn những tiêu chí, chỉ tiêu khác ông áp dụng nền tảng từ tiêu chuẩn VietG.A.P mà ra.
Từ tiêu chuẩn nền tảng VietG.A.P
Trái chuối Fohla vào thị trường Nhật phải đáp ứng đầy đủ hơn 200 chỉ tiêu chất lượng phía Nhật đề ra. Để làm được điều này, ông Võ Quan Huy lấy tiêu chuẩn VietG.A.P làm nền tảng, bởi VietG.A.P chỉ thua GlobalG.A.P ở tính cộng đồng, vấn đề lao động. “GlobalG.A.P đòi hỏi phải lo nơi ăn, chốn ở của công nhân, sinh hoạt… nên tôi nghĩ mình không tự ti về tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn VietG.A.P khá đầy đủvà phù hợp với chuẩn Việt Nam”, ông Huy nói.
“VietG.A.P đáp ứng được khoảng 80% tiêu chuẩn sang Nhật Bản. VietG.A.P tốt, nhưng thực tế doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân sản xuất ở Việt Nam chưa xuất được hàng qua Nhật, bởi mỗi người có những mục tiêu khác nhau. Lấy VietG.A.P là tiêu chuẩn để quản trị, bán hàng, hay làm để đối phó… mục tiêu khác nhau sẽ cho ra những kết quả khác nhau. Vì thế nhiều người không xuất hàng qua Nhật Bản được”, ông Huy nói.
Tìm hiểu thị trường trước khi sản xuất
Trước khi đưa chuối Fohla sang Nhật Bản thành công, ông Huy đã “khởi nghiệp” với hơn 20 loại cây, con khác nhau. Cái duyên đưa ông đến trái chuối bắt đầu từ việc “nghe” thông tin về hiệp định TPP, nay là CPTPP.
Ông Huy cho biết, khi Việt Nam bắt đầu đàm phán để chuẩn bị tham gia vào TPP, trong đầu ông luôn suy nghĩ tìm ra sản phẩm nào để tận dụng cơ hội từ thị trường này.Bởi đây là một thị trường rất rộng lớn, có sức tiêu thụ cao.
Ông tìm hiểu về thị trường cho trái chuối, và thấy rằng, thị trường này Trung Quốc một năm nhập khoảng hơn 700.000 tấn, Nhật Bản hơn 1,2 triệu tấn, Hàn Quốc khoảng 1 triệu tấn.
Không “mông má” tiêu chuẩn
Tiếp theo là vấn đề nhật ký sản xuất phải minh bạch, không được “mông má” gì thêm. Ông Huy cho hay, “nếu dạy nhân viên “mông má”, “sửa đổi” là không minh bạch.Nên làm minh bạch sẽ quản trị tốt vấn đề sản xuất.
Nhật ký sản xuất không phải để đối phó với khách hàng, bởi khách hàng vạch ra từng chỉ tiêu xem nhà sản xuất có dùng chất này, chất kia không. Hoặc dùng thì cách ly như thế nào…
Ông Võ Quan Huy cho rằng, tuân thủ tự nguyện các tiêu chuẩn từ đối tác Nhật Bản đưa ra, nên chuối của ông chưa bao giờ bị “trả hàng về”.
Thành thật – thiện chí
Ông Huy cho biết, trong quá trình làm, chưa đủ cái này, cái kia, nên thành thật nói với đối tác trong vòng hai tháng, ba tháng sẽ làm xong. Sau đó chứng minh cho họ thấy đã làm xong.
Ông Huy kể, có lần xuất hàng đi Nhật Bản, chuối bị thẹo, tật mà công nhân không thấy, phía đối tác phản ánh.Nếu tỷ lệ này trong mức thoả thuận trước đó thì không sao, nhưng nhiều phải xin lỗi họ. “Trường hợp đó, tôi bay qua Nhật, xem chuối bị xấu, tật ở đâu còn về kiểm tra, sửa sai… Phía đối tác thấy sự thiện chí, có trách nhiệm với hàng hoá từ mình nên họrất dễ chịu”, ông Huy tâm sự.
Từ đây, ông Huy đúc kết rằng, “Bằng sự chân thật sẽ kết nối được với người Nhật”.
Theo ông Huy, để xuất khẩu nông sản bền vững, doanh nghiệp phải tự xây dựng được một tiêu chuẩn hàng hoá.Ngay từ bây giờ không thay đổi chất lượng sản phẩm, câu chuyện nông sản làm ra bán không được, luôn hiện hữu.
bài và ảnh Trần Quỳnh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này