
10:37 - 10/04/2019
Nhà bán lẻ đặt vấn đề về sản xuất nông sản theo xu hướng thị trường
Với quy mô dân số hơn 10 triệu người, thu nhập và sức mua ngày càng gia tăng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn mới đáp ứng được khoảng 30 – 40% nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố.
Tại Hội thảo hiện trạng và giải pháp phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM vừa tổ chức, các nhà bán lẻ đặt ra vấn đề cho cơ quan quản lý và đơn vị sản xuất là muốn xây dựng được chuỗi liên kết hiệu quả, người sản xuất phải tìm hiểu nhu cầu, xu hướng của thị trường, chứ không nên cứ sản xuất xong mới đi tìm đầu ra.
Theo ông Nguyễn Nhật Trường, Trưởng bộ phận thu mua nông sản của Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), trong chính sách thu của nhà bán lẻ này luôn yêu cầu hàng đầu về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa… Riêng giá cả thì tuân thủ quy luật của cơ chế thị trường trên tinh thần hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau.
Hiện tại, Saigon Co.op cũng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm được sản xuất trên địa bàn để tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển… Tuy nhiên, các hợp tác xã, doanh nghiệp còn chậm trong việc tiếp cận, tăng cường đầu tư cho việc nghiên cứu sản phẩm mới, sơ chế sản phẩm, đóng gói, cũng như những hoạt động chăm sóc và hỗ trợ bán hàng.
Tương tự, ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH Một thành viên (Satra) cho biết, cần xác định TP.HCM là một thị trường tiêu thụ lớn, mạng lưới phân phối tốt, nhưng cũng là thị trường khó tính, cạnh tranh và yêu cầu cao về tiêu chuẩn chất lượng. Các mặt hàng nông sản vào chợ đầu mối phải đảm bảo minh bạch truy xuất nguồn gốc và nguồn cung đạt yêu cầu.
Trước thực trạng sản xuất, kinh doanh nông sản hiện nay, các nhà bán lẻ đề nghị đơn vị sản xuất cần chọn lọc sản phẩm đầu tư theo xu hướng tiêu dùng nên phân khu vực nuôi trồng ra thành vườn nhỏ để kinh doanh cho kênh siêu thị. Từ đó, đơn vị sản xuất sẽ từng bước khắc phục được tình trạng yêu cầu siêu thị thu mua cả vườn với sản lượng lớn một lần, chưa phù hợp với nhu cầu của kênh phân phối lẻ.
Còn để hỗ trợ người nông dân, các hợp tác xã cũng cần có sự liên kết với các vùng trồng để xác định khả năng tiêu thụ của thị trường. Bên cạnh đó, liên kết các bên trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, tránh tình trạng sản xuất ồ ạt, chạy theo thị trường dẫn đến “được mùa mất giá” gây thiệt hại cho các hợp tác xã, hộ nông dân.
Thống kê tại thành phố có hơn 5.000 trang trại hộ gia đình, 68 hợp tác xã và gần 230 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp. Với quy mô dân số hơn 10 triệu người, thu nhập và sức mua ngày càng gia tăng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn mới đáp ứng được khoảng 30 – 40% nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành khác và nước ngoài. Do đó, thành phố đã định hướng phát triển ngành nông nghiệp đô thị theo hướng hiện đại hóa với 6 sản phẩm chủ lực là rau, hoa kiểng, bò sữa, lợn, tôm nước lợ và cá cảnh. Đây cũng là những sản phẩm có điều kiện tham gia các chuỗi liên kết và cung ứng, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu mang lại lợi nhuận, giá trị tăng cao.
Chính vì vậy, TP.HCM đã và đang cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần diện tích trồng lúa để chuyển sang cây trồng vật nuôi có năng suất, giá trị cao, đáp ứng định hướng phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Nhân Phương (theo TTXVN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này