11:13 - 23/03/2019
Indonesia tập huấn 12.000 nông dân thế hệ thiên niên kỷ
I Made Agus Wijaya, 29 tuổi, dành gần cả ngày ngồi trước máy tính ở một trường phổ thông tại làng Bangli, Tabanan, Bali, Indonesia.
Từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, anh làm việc ở trường. Học xong, anh thay một áo phông và quần soóc, cầm liềm đi ra ruộng lúa.
“Tía tôi là một nông dân.Tôi sẽ tiếp tục nối nghiệp ông”, Agus nói. Agus được người cha đã quá cố dạy làm nông từ năm lên sáu. Anh đã quen với chuyện lấm láp bùn đất và làm việc giữa nắng chang chang. “Chuyện đó chẳng là gì cả. Tôi thích vậy”, Agus, một nông dân đang trông nom thửa ruộng 7.000m2 kế thừa từ người cha, cho biết. Agus cũng chia thửa đất ấy cho những nông dân khác cùng canh tác.
Agus tỏ ra tự hào là một nông dân, mặc dầu nhiều thanh niên khác không còn tha thiết gì với nghề này hiện nay. “Hầu hết thanh niên ở thành phố quen nghĩ rằng làm nông dân không tương xứng với địa vị của họ. Họ làm như không biết rằng nhiều nông dân có con vào đại học. Nếu làm cật lực, nông nghiệp là một nghề hiệu quả”, anh nói.
Điều duy nhất làm Agus lo ngại là giá trị vụ mùa suy giảm. Mặc dầu anh tin tưởng mình có thể tiếp tục theo nghề nông và không bao giờ bán mảnh đất cha ông để lại, và anh cũng sẽ không bỏ học. Anh cũng đang đeo đuổi một bằng cao đẳng tại một trường đại học địa phương. “Tôi chỉ cần gì đó giúp cho tôi hiểu biết mọi chuyện, nhưng tôi sẽ không bao giờ bỏ nghiệp nông, một di sản tía tôi để lại”, anh nhất mực nói.
Agus là một trong số ít thanh niên ở Bali vẫn còn hăm hở với nghề nông. Sự tăng trưởng chóng vánh của ngành du lịch trên hòn đảo, không chỉ dẫn đến quá trình đô thị hoá ồ ạt, mà còn chứng kiến nhiều thanh niên đảo Bali sinh trong các gia đình nông dân quyết định làm việc trong ngành du lịch, khiến đất đai bị bỏ hoang, cuối cùng biến thành các khu vực du lịch.
“Vấn đề này không chỉ diễn ra ở Bali và Indonesia.Đó là vấn đề của cả thế giới”, viên chức bộ Nông nghiệp Syukur Iwantoro nói. Trong một nỗ lực khuyến khích thanh niên tiếp tục làm nông, bộ đã đề ra một chương trình đào tạo ở huyện Badung, với mục tiêu huấn luyện hơn 12.000 “nông dân thế hệ thiên niên kỷ” trên khắp đảo. Hơn 500 nông dân từ chín huyện, thành đã tham gia giai đoạn 1 của chương trình trong tháng này.Syukur cho biết các chương trình tương tự sẽ được mở ra trên toàn quốc.
Chính phủ đã tuyên bố năm 2019 là năm nông dân Indonesia hồi sinh, và cố gắng cải thiện khả năng tiếp cận vốn, thị trường và công nghệ cho nông dân để nâng cao năng suất của họ. “Nông dân thiên niên kỷ sẽ là xương sống của nông nghiệp trong tương lai”, viên chức nói.
Syukur còn cho biết Indonesia cũng được chỉ định là dự án thí điểm về phục hưng nông dân của thế giới. Chương trình được cơ quan Phát triển nông lương quốc tế (IFAD) hỗ trợ. IFAD đã viện trợ 50 triệu USD cho Indonesia trong vòng ba năm. Chương trình tập trung vào việc bồi dưỡng nông dân trẻ, làm việc có năng suất và hiện đại.
Agus cũng đã tham gia chương trình. Anh cho biết mình rất sung sướng khi được tham gia. “Điều quan trọng nhất đối với tôi là làm thế nào để giữ giá nông sản của chúng tôi ổn định.Đó là mối quan tâm lớn nhất của cánh nông dân chúng tôi”.
Đặng Kính (TGTT/Jakarta Post)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này