
09:33 - 20/06/2019
Dưa lưới Hải Âu chinh phục JAS bằng sự tử tế
Ngày 21/5/2019, công ty phát triển nông nghiệp Hải Âu của Việt Nam, chính thức được bộ Nông nghiệp Nhật cấp chứng nhận hữu cơ (JAS). Điều này gây không ít bất ngờ cho nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bởi Hải Âu là doanh nghiệp “non trẻ”.

“Làm hữu cơ khá đơn giản, chỉ cần theo nguyên tắc của ông cha ngày xưa là thực hiện được. Điều quan trọng là phải có niềm đam mê. Cốt lõi là người đứng đầu có khả năng truyền cảm hứng, định hướng để mọi người cùng làm ra sản phẩm tốt, chứ không phải hướng đến việc thu lợi nhuận. Sự tử tế không sớm thì muộn cũng sẽ đem về những giá trị bền vững” – Trần Phong Lan, giám đốc công ty phát triển nông nghiệp Hải Âu.
Ông Trần Phong Lan, chủ doanh nghiệp Hải Âu kể, cách đây gần ba năm, Hải Âu may mắn tiếp cận được đoàn chuyên gia Nhật Bản. Khi nghe đến farm Hải Âu, họ đến tham quan, tìm hiểu việc sản xuất dưa lưới. Biết được phương pháp làm nông nghiệp có tiêu chuẩn cao, họ đặt vấn đề hướng dẫn, tư vấn để Hải Âu chinh phục chứng nhận hữu cơ Nhật. “Đây chính là cơ duyên để Hải Âu đến với chứng nhận hữu cơ JAS”, ông Lan tâm sự.
Theo ông Lan, đến Hải Âu để kiểm tra, đánh giá quy trình sản xuất thực chất là những chuyên gia của bộ Nông nghiệp Nhật Bản. Các chuyên gia tuổi từ 60 – 75, nên có cảm giác họ làm việc theo kinh nghiệm, rất nhanh họ chỉ ra những nghiệp vụ về nguồn đất, phân bón, chăm sóc… Hồ sơ chứng nhận JAS không nhiều, chỉ bằng phân nửa chứng nhận GlobalG.A.P., tập trung các vấn đề phân bón, lịch thời vụ, nhật ký sinh trưởng của cây trồng.
Chuẩn hữu cơ Nhật lấy đất làm trọng tâm. Họ nghiêm cấm sử dụng hoá chất, phân bón hoá học trong vòng ít nhất ba năm trước khi gieo trồng. Chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ cho cây trồng.Hạt giống cũng phải được sản sinh ra từ cây trồng hữu cơ. Những điều này Hải Âu luôn đáp ứng tốt, do đã có nền tảng cách đây nhiều năm. Ngay nguồn phân bón như phân dơi, phân heo, phân bò, đậu nành, phân gà… đều được doanh nghiệp này lấy từ nguồn có uy tín, ví dụ phân bò phải là bò ăn cỏ chứ không phải bò ăn thức ăn công nghiệp. Các điểm cung cấp phân bón cho nông trại này phải có chứng từ rõ ràng. Từ những vấn đề căn bản này, ông Trần Phong Lan cho biết, khi các chuyên gia Nhật Bản đến thì Hải Âu không rơi vào thế bị động.
Hiện nay, nhiều người cho rằng làm tiêu chuẩn hữu cơ của Nhật rất khó. Điều này đúng với những doanh nghiệp chưa thực hành, chưa sản xuất hữu cơ từ đầu. Một điều nữa cũng liên quan, theo ông Lan, người Nhật đánh giá đối tác qua từng con người, thái độ, cách chúng ta làm việc. Nếu chúng ta tạo được niềm tin thì cơ hội sẽ mở ra nhanh chóng. Có lẽ người Nhật đã tinh ý thấy được, Hải Âu không đặt nặng áp lực cho nhân viên về sản lượng, mà điều quan trọng là định hướng để nhân viên nỗ lực, làm đúng yêu cầu và cống hiến công sức, thể hiện được trách nhiệm, niềm đam mê.
“Việc theo đuổi chuẩn hữu cơ là định hướng ngay từ khi mới hình thành ý tưởng, nên Hải Âu không có nhiều thay đổi trong quá trình sản xuất. Quan điểm của Hải Âu là làm ra nông sản tử tế, nhiều giá trị dinh dưỡng, và đặc biệt là an toàn cho người sử dụng. Do vậy, chứng nhận hữu cơ của Nhật đến với Hải Âu có thể nói là một sự công nhận, và cũng là cái duyên”, ông Trần Phong Lan chia sẻ.
Về cơ hội xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản sau khi đã có chứng nhận JAS, ông Trần Phong Lan cho rằng “đang rất rộng mở”, khi nhiều doanh nghiệp Nhật đặt vấn đề nhập khẩu dưa lưới của Hải Âu. Tuy nhiên, vào thời điểm này Hải Âu chưa nhận lời, vì nguồn cung chưa đủ.Hiện tại, mỗi tháng Hải Âu cung cấp cho thị trường trong nước gần 20 tấn dưa lưới hữu cơ.Với thị trường nội địa gần 100 triệu dân, đây là con số còn khá khiêm tốn. Do vậy, Hải Âu đang mở rộng quy mô với 20ha tại Ninh Thuận. Hy vọng trong những năm tới, nguồn cung cho thị trường Việt Nam sẽ phong phú và sản lượng đảm bảo cho việc xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản.
“Hải Âu từ đầu là trồng dưa lưới organic và phục vụ số đông người Việt mức sống trung bình.Tất cả vì sức khoẻ cộng đồng”, ông Trần Phong Lan nhắc lại ý tưởng.
Công ty TNHH AEON (Nhật Bản) vừa cho biết sẽ tăng gấp đôi kim ngạch nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam lên 500 triệu USD vào năm 2020, trong bối cảnh Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành nhà cung ứng thực phẩm có chất lượng cho người tiêu dùng Nhật Bản. Con số này có thể tăng lên mức 1 tỷ USD vào năm 2025, theo phóng viên TTXVN tại Tokyo. Hãng tin Kyodo dẫn lời ông Eiji Shibata, một nhà quản lý của AEON, cho biết nhập khẩu thực phẩm từ Việt Nam vẫn có thể tiếp tục tăng trong bối cảnh tập đoàn này đang chiếm tới 70% doanh số bán thực phẩm ở Nhật Bản. Chẳng hạn như AEON có thể nhập khẩu rau hữu cơ từ Việt Nam, với sự hỗ trợ của công nghệ đông lạnh tiên tiến. Tuy nhiên, để hàng Việt Nam vào Nhật thuận lợi, ông Toshiya Gotou, phó chủ tịch điều hành tập đoàn AEON, khuyến nghị các doanh nghiệp cần chú ý tới vấn đề thuốc bảo vệ thực vật đối với các hàng tươi sống như nông sản, rau quả…
bài, ảnh Anh Tuấn (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này