
10:29 - 20/06/2019
Đối thoại ‘chan chát’ về hữu cơ
Bây giờ ở các siêu thị, chúng ta thường thấy những khu vực riêng bán rau, củ, gạo, thực phẩm gắn bảng HỮU CƠ (ORGANIC). Giá bán đắt hơn thực phẩm thường.
Người tiêu dùng hỏi: (1) Nghe doanh nghiệp đăng đàn nói làm theo sáu không, liệu có ai kiểm tra? (2) Lại có doanh nghiệp nói, có thể truy nguồn gốc sản phẩm? (3) Đa số đều đưa ra các giấy chứng nhận: USDA, EU Organic, PGS… nhưng siêu thị đủ sức kiểm tra để người tiêu dùng an tâm về sức khoẻ khi mua dùng?
Thế Giới Hội Nhập trao đổi với chuyên gia hữu cơ Nguyễn Lâm Viên
– Nếu làm đúng phương pháp hữu cơ thì nhà nông phải đảm bảo đủ thứ, giá sản phẩm hữu cơ rất… chát. Chi phí cao mà hiệu quả kinh tế và lợi nhuận thấp. Giải quyết như thế nào?
– Đúng là giá của thực phẩm hữu cơ không thể rẻ. Mà có một bất lợi nữa trên thị trường của sản phẩm hữu cơ là đụng tâm lý người tiêu dùng: coi bề ngoài không đẹp, không bóng mượt, giá thì đắt. Chính vì vậy, cần có những phiên chợ nông sản sạch để kết nối.Ở đó, bạn hãy nhìn vào sản phẩm hữu cơ đi, ví dụ như trái xoài, mớ rau đâu có đẹp giống như bán ở chợ?Vì vậy, cần thay đổi cảm thụ ở người dùng.
– Nhiều sản phẩm hữu cơ bị ế. Tại sao?
– Lý do đầu tiên là chúng ta chưa truyền thông đầy đủ cho người dùng hiểu sự khác biệt. Thứ hai là những nhà tổ chức có uy tín đại diện cho nông dân, như các tổ chức phi chính phủ lại quá ít. Sản phẩm hữu cơ đổ đống bán dọc đường thì ai tin, ai mua.Nông dân cũng không thể tự đem sản phẩm ra chợ bán được. Nghĩa là, phải có truyền thông, Chính phủ phải giúp nông dân kiểm soát mới ngăn chặn được các thành phần làm không tốt len lỏi vô làm bậy.
Vì cứ có cái gì sinh lời là người ta lợi dụng và treo bảng hữu cơ lung tung, gây mất lòng tin ở sản phẩm hữu cơ thật.
– Người dùng vẫn có định kiến là sản phẩm hữu cơ có giá cao nên họ ngại tiếp cận?
– Sai! Hữu cơ chỉ là một tiêu chuẩn giống như ISO, HACCP, giống như GlobalG.A.P hay VietG.A.P… Chẳng qua khi chúng ta làm hữu cơ, có chứng nhận thì được tin cậy hơn. Nhưng khi có nhiều người tới mua thì làm sao giữ được khách? Phải chú ý từ giá, đến tiện ích, chất lượng, và tác phong phục vụ. Nếu nói hàng hữu cơ chỉ để bán được giá cao hơn, thì mất khách là chắc. Theo tôi, chi phí tăng là có thật: thay vì phun thuốc diệt cỏ thì phải dùng tay để nhổ cỏ; thay vì phun hoá chất trừ sâu thì phải dùng các chế phẩm sinh học như lấy cây tỏi, ớt, hành gì đó để phun lên cây, tốn công hơn nên phải tăng chi phí nữa. Nhưng cộng hết các thứ đó vô thì giá đội lên một lần là quá lắm rồi.
– Vậy tính kỷ luật phải cao?
– Đúng, làm nông nghiệp hữu cơ không thể có ba từ: tình cảm, thông cảm, thoải mái. Tôi cũng rất sợ đến một ngày nào đó, chúng ta làm nông nghiệp hữu cơ giống như làm VietG.A.P, khi đó không còn ai tin, ai mua nữa.
Chúng ta còn thoải mái, dễ dãi, không có trách nhiệm với người xung quanh, thì ngay cả sức khoẻ của người sản xuất cũng bị tổn hại.
– Nói như ông, một ông nông dân mà vừa phải có suy nghĩ làm nông nghiệp hữu cơ để thay đổi chất lượng sản phẩm, cân bằng sinh thái; rồi lại vừa phải mưu sinh, có lợi nhuận thì có ổn không?
– Chúng ta làm hữu cơ thì nó là một chứng nhận để nói lên một triết lý, tương tác của chúng ta, giữa người canh tác và người tiêu dùng, giữa thiên nhiên với con người, động vật với thực vật… phải làm sao gặp nhau.Chứng nhận hữu cơ giúp chúng ta đón nhận người dùng.Nếu hiểu được triết lý đó, hiểu sâu, hiểu rõ thì làm sẽ rất dễ.
Hai nhà đầu tư và hai cái đầu tiên
Ông Nguyễn Lâm Viên đã đạt chứng nhận hữu cơ của Trung Quốc đầu tiên, năm 2018. Ông nhận chứng nhận hữu cơ của Hoa Kỳ và châu Âu từ nhiều năm trước, nhưng vẫn phải làm lại quy trình từ đầu để nhận chứng nhận hữu cơ của Trung Quốc, mà theo ông là khó khăn nhất, vì những quy định hết sức ngặt nghèo. Cơ quan cấp chứng nhận xem xét cấp cho từng mảnh diện tích với số lượng cây trồng cụ thể và lượng trái có thể đậu được cụ thể.Khi xuất, doanh nghiệp phải mua tem và dán tem trên từng gói sản phẩm trước khi bán ra thị trường.Cơ quan hải quan nước sở tại và Trung Quốc sẽ kiểm soát tem và những quy định cụ thể trên giấy chứng nhận để đối soát.
Còn kỹ sư hàng hải Trần Phong Lan, cũng là nhà đầu tư công ty phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hải Âu, thì báo tin vui bộ Nông lâm nghiệp Nhật Bản vừa cấp cho công ty anh chứng nhận hữu cơ JAS ngày 21/5/2019, sau ba năm anh theo đuổi sự hướng dẫn và thực hành để đạt chứng nhận này. Hải Âu là công ty đầu tiên của Việt Nam đạt chứng nhận JAS. Khi chúng tôi đến cửa hàng quảng bá dưa lưới thương hiệu Danny Green là sản phẩm sạch tiêu chuẩn Nhật Bản, đã đặc biệt thích dưa melon của Hải Âu, ngọt, thơm, tôi càng ngạc nhiên khi được thưởng thức nước luộc vỏ trái dưa có vị ngọt dịu, thanh và hương thơm tương tự nhưng đặc sắc hơn mùi nước rễ tranh mía lau. Bây giờ thì dưa lưới đã đạt chứng nhận hữu cơ, và cánh cửa xuất khẩu sang Nhật của công ty càng mở rộng.
Thế Giới Hội Nhập mong sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp đạt hai chứng nhận hữu cơ rất khó khăn là Trung Quốc và Nhật Bản, nghĩa là sự “mở hàng” của anh Lâm Viên và Phong Lan sẽ rất hên, rất mát tay…
K.H
P.V (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này