
09:10 - 04/07/2019
EVFTA giúp thúc đẩy cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh cho Việt Nam
Chắc chắn, việc thực hiện các điều khoản đã cam kết trong EVFTA sẽ không dễ dàng, nhưng vượt lên được thử thách này, nền kinh tế nước ta sẽ có những tiến bộ lớn.

Hàng Việt Nam liệu rồi có sẽ phổ biến ở Pháp sau khi EVFTA ký kết? Hiện nay, trong siêu thị Tang Frères chỉ có vài mặt hàng. Ảnh: Đ.K
Hai nền kinh tế EU và Việt Nam bổ sung cho nhau là chủ yếu, quan hệ thương mại hai chiều đem lại lợi ích cho cả hai bên: Việt Nam có thể cung cấp cho thị trường này những sản phẩm có chất lượng với giá thấp hơn như dệt may, da giày, đồ gỗ, nông lâm thuỷ sản, dịch vụ công nghệ thông tin, du lịch… Ngược lại, EU có thể xuất sang Việt Nam những sản phẩm mà Việt Nam chưa sản xuất như máy bay Airbus, máy móc, trang thiết bị, v.v. Nông sản của EU như sữa, rượu vang, thịt bò… có thể tăng mạnh và cạnh tranh mạnh với nông sản Việt Nam. Xin giới thiệu bài viết của Tiến sĩ – chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh.
Tăng việc làm và thu nhập
Dự kiến, xuất khẩu của Việt Nam sang EU nếu EVFTA đi vào thực thi từ năm 2020 sẽ tăng 20%, và đến giai đoạn 2025 – 2030, tốc độ tăng sẽ lớn hơn từ 70 – 80%. Theo tính toán, dự kiến, tăng trưởng xuất khẩu sẽ tăng từ 4 – 6%, các ngành kinh tế tăng thêm 19 tỷ USD so với năm 2019, và đến năm 2025 có thể tăng lên 70 tỷ USD, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho người lao động và tăng trưởng GDP cho Việt Nam.
Các mặt hàng có cơ hội cao của Việt Nam là nông sản nhiệt đới, như gạo, cà phê, mật ong, trái cây (xoài, vải…), sản phẩm chăn nuôi, hoa tươi, rau… đều là những ngành hàng được hưởng ưu đãi rất cao. Những sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh ở thị trường EU như dệt may, da giày, chế biến đồ gỗ, tin học dự kiến sẽ có cơ hội tăng xuất khẩu cao. Một số ngành công nghiệp khác như hoá dầu, cơ khí cũng được hưởng ưu đãi khi cắt giảm thuế quan trong những năm tới.

GC 2018: Từ trái qua: điểm năng lực cạnh tranh, thể chế, hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, ổn định kinh tế vĩ mô, sức khỏe, kỹ năng, thị trường cho sản phẩm, thị trường lao động, hệ thống tài chính, quy mô thị trường, động lực kinh doanh và năng lực sáng tạo.
Tạo ra một nền kinh tế minh bạch
Bên cạnh những lợi ích thương mại đã được đề cập nhiều trên báo chí, một đóng góp quan trọng của EVFTA là góp phần cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Trong 17 chương và hai nghị định thư đính kèm của hiệp định EVFTA, bao gồm những cam kết về thể chế như mua sắm chính phủ, chính sách cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước và những ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhà nước, độc quyền trong kinh doanh, sở hữu trí tuệ, minh bạch, thể chế… Những cam kết này hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Chính phủ Việt Nam xây dựng một nhà nước kiến tạo, liêm chính, công khai, minh bạch, một nhà nước của dân, vì dân.
Việc thực hiện các cam kết này đòi hỏi những nỗ lực cao của toàn thể bộ máy nhà nước.Điều quan trọng là các quan chức, viên chức nhà nước phải được tập huấn, nắm vững những nội dung cam kết có liên quan đến công việc của mình trong EVFTA, để tổ chức thực hiện nghiêm túc.
Hy vọng rằng, những nỗ lực thực hiện EVFTA này sẽ góp phần nâng cao chất lượng của thể chế, bộ máy của nước ta, vốn là điểm yếu nhất trong các đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam. Thí dụ như trong Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI – Global Competitiveness Index) 2018, chỉ số về thể chế có điểm rất thấp.
Nâng cao điểm của thể chế sẽ cải thiện đáng kể năng lực cạnh tranh của nước ta, cải thiện điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp, giảm bớt chi phí về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp.
Chắc chắn, việc thực hiện các điều khoản đã cam kết trong EVFTA sẽ không dễ dàng, nhưng vượt lên được thử thách này, nền kinh tế nước ta sẽ có những tiến bộ lớn.
Chủ nhật, ngày 30/6/2019, tại Hà Nội, Hiệp định Thương Mại Tự do giữa Liên Minh Châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) được ký kết, đánh dấu một bước tiến quan trọng của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư. Cũng như EVFTA, Việt Nam đã có tới 14 FTA khác, tuy nhiên, việc tận dụng lợi thế về thuế để thúc đẩy xuất khẩu chưa bao giờ dễ dàng, trong khi sản xuất nội địa ngày càng chịu áp lực cạnh tranh ghê gớm khi mất đi bảo hộ thuế…
Lê Đăng Doanh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này